Triệu chứng và cách phòng ngừa bệnh viêm não Nhật Bản ở trẻ

Viêm não Nhật Bản là một bệnh truyền nhiễm do virus viêm não Nhật Bản gây ra, bệnh tổn thương đến hệ thần kinh, dẫn đến nguy cơ tử vong và khả năng để lại di chứng cao. Hiện nay, chưa có cách điều trị cụ thể, tuy nhiên, các mẹ có thể áp dụng một số biện pháp phòng ngừa bệnh trẻ em này hiệu quả cho bé.

Triệu chứng và cách phòng ngừa bệnh viêm não Nhật Bản ở trẻ 2

Triệu chứng

Viêm não Nhật Bản còn được gọi là viêm não B hay viêm não mùa hè. Đây là một bệnh viêm nhiễm hệ thần kinh, có thể khiến não bị tổn thương, thậm chí ở một số tình trạng nặng hơn, có thể xảy ra trường hợp tử vong hoặc để lại di chứng cao. Bệnh có thể xảy ra ở mọi lứa tuổi nhưng phổ biến nhất vẫn là trẻ em dưới 15 tuổi. Theo một số nghiên cứu, trẻ em trong khoảng từ 2 đến 6 tuổi có nguy cơ mắc bệnh cao hơn những trẻ khác.

Triệu chứng và cách phòng ngừa bệnh viêm não Nhật Bản ở trẻ 1

Viêm não Nhật Bản không lây trực tiếp từ người sang người mà lây truyền từ súc vật sang người qua các loại muỗi. Khi bị muỗi có chứa virus viêm não Nhật Bản đốt phải, người bệnh có thể mắc bệnh viêm não Nhật Bản. Thời gian ủ bệnh ban đầu, khoảng từ 6 đến 14 ngày, người bệnh thường ít có triệu chứng rõ rệt. Tuy nhiên, sau thời gian này, người bệnh có thể bị sốt, đau đầu, buồn nôn, nôn, co giật, co cứng cơ, co vặn, liệt nửa người…

Trong giai đoạn phát bệnh, người bệnh còn gặp phải những triệu chứng thần kinh thực vật, chẳng hạn như cơ thể xanh tái, rối loạn hô hấp, tăng tiết đờm, chướng bụng, nôn, nhịp tim nhanh, bí đại tiểu tiện, thậm chí là ngừng hô hấp đột ngột, ngủ gà hoặc hôn mê sâu.

Triệu chứng và cách phòng ngừa bệnh viêm não Nhật Bản ở trẻ 3

Những bệnh nhân có triệu chứng sốt cao trên 40 độ và bị rối loạn thần kinh nghiêm trọng thì có nguy cơ bị tử vong rất cao. Nếu qua khỏi cũng để lại di chứng như động kinh, đần độn, liệt, tàn phế, kém thông minh, không có khả năng lao động và sử dụng ngôn ngữ.

Cách phòng ngừa bệnh viêm não Nhật Bản

Mặc dù hiện nay chưa có phương pháp điều trị bệnh viêm não Nhật Bản cụ thể, các bác sĩ chủ yếu điều trị theo triệu chứng, nhưng mẹ hoàn toàn có thể chủ động phòng ngừa căn bệnh viêm não Nhật Bản cực kỳ nguy hiểm này.

Pediatrician examining  little girl with stethoscope; Shutterstock ID 67439995; PO: aol; Job: production; Client: drone

Trước hết, mẹ nên giữ gìn nhà ở, môi trường xung quanh, không gian sống luôn sạch sẽ và thoáng mát. Tuyệt đối không được để chuồng gia súc gần nhà, vệ sinh sạch sẽ các chuồng gia súc để tiêu diệt, hạn chế muỗi và không cho bé vui chơi gần các chuồng gia súc nhằm tránh bị muỗi đốt.

Bên cạnh đó, tại các khu vực có nhiều muỗi, các bậc phụ huynh nên lắp thêm lưới ngăn muỗi trên cửa sổ, cửa ra vào. Hơn nữa, khi đi ngủ, ba mẹ nên mắc màn cho bé và sử dụng các thuốc xịt diệt muỗi, chất bôi ngoài da để bảo vệ cho sức khỏe của bé. Ngoài ra, khi có việc phải ra ngoài vào ban đêm, mẹ nên cho bé mặc quần áo dài tay, mắc áo khoác, đi thêm tất…

Triệu chứng và cách phòng ngừa bệnh viêm não Nhật Bản ở trẻ 5

Tuy nhiên, biện pháp phòng ngừa hiệu quả nhất vẫn là tiêm vaccine viêm não Nhật Bản. Khi bé được khoảng 1 tuổi, ba mẹ nên cho bé tiêm vaccine liều thứ 1. 2 tuần sau đó, ba mẹ đưa bé đến các cơ sở y tế để được tiêm chủng liều thứ 2. Liều thứ 3 cách liều thứ 2 khoảng 1 năm. Ba mẹ phải cho bé tiêm chủng đầy đủ 3 liều vaccine cơ bản này. Sau đó, cứ khoảng 4 năm thì cho bé tiêm lại một lần.

Khi thấy bé đột ngột bị sốt cao, đau đầu, buồn nôn, co giật, rối loạn hệ thần kinh, hô hấp…, ba mẹ nên đưa bé đến các cơ sở y tế để được các bác sĩ thăm khám và chữa trị kịp thời.

Bài viết liên quan