Trị tật hay mút tay ở trẻ

Tật mút tay là thói quen thường gặp của nhiều bé. Tuy nhiên, mút tay khi tay chưa sạch sẽ tạo điều kiện cho vi khuẩn, vi trùng xâm nhập vào cơ thể, gây ra một số các bệnh lây nhiễm qua đường miệng, chẳng hạn như bệnh tay chân miệng và các bệnh về đường tiêu hóa. Chính vì thế, ba mẹ nên tham khảo các cách sau để trị tật hay mút tay ở trẻ.

Trị tật hay mút tay ở trẻ 1

Tác hại từ việc mút ngón tay

Phần lớn các bé trong khoảng từ 2 đến 3 tháng tuổi sẽ bắt đầu có thói quen mút tay. Ở thời điểm này, mút tay là dấu hiệu của sự phát triển. Nếu bé có thể đưa ngón tay vào miệng, thì điều này có nghĩa là các cơ quan điều khiển vận động có thể phối hợp với nhau và thực hiện theo ý bé muốn. Do đó, hành động mút tay ở trẻ từ 2 đến 3 tháng tuổi chính là dấu hiệu chứng tỏ não bộ của bé đang phát triển và muốn khám phá thế giới xung quanh.

Tuy nhiên, nếu bé từ 2 tuổi trở lên mà vẫn còn tật mút tay thì điều này sẽ ảnh hưởng không nhỏ đến cuộc sống hàng ngày. Điển hình như bé có thể mắc các bệnh truyền nhiễm, ảnh hưởng đến sự phát triển của hàm trên, hàm dưới, răng và cơ mặt. Hơn nữa, nếu bé tiếp tục mút ngón tay trong thời gian dài có thể làm bẹp đầu ngón tay và ảnh hưởng đến sự phát triển của xương tay. Vì vậy, ba mẹ nên lưu ý đến tật hay mút tay của bé và giúp bé chữa trị thói quen xấu này.

Đánh lạc hướng bé

Trị tật hay mút tay ở trẻ 2

Cách này cực kỳ đơn giản, ngay khi bé có ý định đưa ngón tay lên miệng, các mẹ hãy đánh lạc hướng bé bằng cách khiến bé chú ý đến những đồ vật thú vị hoặc những món đồ chơi bé thích. Ba mẹ cũng có thể đùa giỡn với bé, cho bé tham gia một trò chơi nào đó đòi hỏi phải sử dụng cả hai tay. Như vậy, bé sẽ dần dần quên mất ý định mút ngón tay.

Cho bé chơi cùng bạn bè

Bạn bè đóng vai trò cực kỳ quan trọng trong quá trình phát triển của bé. Do đó, để chữa trị tật mút ngón tay, mẹ hãy cho bé chơi cùng với những bạn bè không có tật xấu này. Hơn nữa, mỗi khi thấy bé mút ngón tay, mẹ hãy nhờ bạn bè nhắc nhở bé, để bé ý thức thói quen này là xấu và tự giác từ bỏ.

Giải thích nhẹ nhàng

Trị tật hay mút tay ở trẻ 4

Nhiều bậc phụ huynh vì quá lo lắng mà thường xuyên cáu gắt và trách mắng bé. Thế nhưng, đây không phải là cách hay để trị tật hay mút tay ở trẻ. Thay vào đó, mẹ hãy gợi ý và giải thích nhẹ nhàng, để bé nhận ra rằng, bé đã lớn và không nên mút tay nữa.

Minh họa bằng hình ảnh

Một số bà mẹ trẻ chia sẻ bí quyết trị tật mút tay của bé chính là cho bé xem những hình ảnh minh họa về thói quen xấu này, đặc biệt là hình ảnh vi khuẩn có thể xâm nhập vào cơ thể qua đường miệng. Kế tiếp là giải thích cho bé hiểu rằng, các vi khuẩn, vi trùng gây hại sẽ làm răng, miệng bé bị tổn thương hoặc nhiễm các căn bệnh nguy hiểm.

Ôm gấu bông khi ngủ

Trị tật hay mút tay ở trẻ 6

Hầu hết các bé mắc tật này đều mút ngón tay khi ngủ. Vì vậy, trước khi bé ngủ, bạn hãy cho bé ôm gấu bông mềm mại hoặc một chiếc gối ôm nhỏ để bé phải khó khăn nếu muốn mút tay khi ngủ.

Động viên khen ngợi bé

Khi thấy bé hạn chế được phần nào tật mút ngón tay, ba mẹ nên động viên và khen ngợi bé. Điều này cực kỳ cần thiết trong quá trình trị tật mút ngón tay ở trẻ. Bên cạnh đó, các mẹ cũng nên chuẩn bị một vài phần quà nho nhỏ, chẳng hạn như bánh, kẹo hoặc món đồ chơi mà bé thích để thưởng cho bé mỗi khi thấy bé có biểu hiện tốt.

Một điều cần lưu ý nữa là trong quá trình trị tật mút ngón tay cho bé, phát hiện ra những vấn đề tổn hại đến ngón tay, bé bị lở loét miệng, răng lợi…thì nên đưa bé đến những cơ sở y tế để được các bác sĩ chữa trị đúng cách và kịp thời.

Bài viết liên quan