Vệ sinh mũi và nhỏ thuốc mũi cho con đúng cách

Mũi là nơi trực tiếp, tiếp xúc với môi trường, rất dễ nhiễm các loại vi khuẩn, vi rút. Mũi ở trẻ sơ sinh nhỏ và ngắn do xương mặt chưa phát triển. Trẻ càng nhỏ niêm mạc càng mỏng, nhiều mao mạch dễ xung huyết. Chính vì vậy, việc vệ sinh mũi cho trẻ hàng ngày là rất cần thiết để phòng các bệnh về đường hô hấp như viêm mũi, viêm xoang.

ve sinh va nho thuoc mui cho be dung cach 1

1. Hướng dẫn cách vệ sinh mũi cho bé

Đầu tiên, bạn nhỏ hoặc xịt nước muối sinh lý vào mũi trẻ để làm ẩm và lỏng hóa các chất nhầy trong mũi trẻ trước khi hút chúng ra. Cho bé nằm trên gối cao hoặc để bé nằm nghiêng, sau đó dùng chai nhỏ hoặc dùng bình xịt xịt trực tiếp dung dịch vào mũi trẻ rồi bắt đầu hút chất nhầy. Một tay cầm dụng cụ hút mũi, một tay giữ đầu trẻ để tránh trẻ ngọ nguậy trong quá trình hút.

Sau đó, nhẹ nhàng đặt đầu dụng cụ vào lỗ mũi của trẻ, từ từ dùng tay bóp bình khí vào lỗ mũi trẻ. Dần dần cho không khí trở lại bình khí, kéo chất nhầy ra khỏi mũi và đi vào dụng cụ. Bóp chất nhầy vừa hút được ra khỏi dụng cụ, dùng giấy lau sạch đầu hút rồi tiếp tục với bên mũi còn lại.

ve sinh va nho thuoc mui cho be dung cach 2

Sau khi thao tác xong, bạn giữ trẻ nằm nguyên tư thế trong khoảng 10 giây. Nước muối sẽ cuốn nước mũi, đờm, nhớt trong mũi xuống họng và dễ gây phản ứng nôn hoặc ói cho trẻ. Trong một vài lần đầu, bạn nên cho trẻ nôn ra phần dịch nhớt, sau nhiều lần hút mũi, trẻ sẽ dần có phản xả và không bị nôn, ói nữa.

Cuối cùng, bạn chỉ việc dùng tăm bông hoặc giấy ăn sạch, mềm rồi xoắn lại, nhẹ nhàng đưa vào lỗ mũi và lau khô mũi cho trẻ là xong.

2. Các thao tác nhỏ thuốc mũi cho bé đúng cách

Để nhỏ thuốc mũi cho bé đúng cách, mẹ nên đặt trẻ nằm thẳng, gối đầu lên gối. Một tay giữ cẩn thận đầu của trẻ hơi nghiêng, một tay cầm lọ thuốc, nhẹ nhàng bóp từ 1 đến 3 giọt vào mỗi lỗ mũi sao cho vừa phải là được. Sau đó giữ trẻ nằm yên trong từ 1 đến 2 phút để thuốc có đủ thời gian ngấm và làm loãng chất nhầy giúp thông mũi cho trẻ.

ve sinh va nho thuoc mui cho be dung cach

Hoặc với một cách khác, các mẹ có thể bế bé trên tay, cho đầu bé hơi nghiêng lên cao một chút, chọn tư thế thoải mái nhất cho cả mẹ và bé và cũng thực hiện thao tác nhỏ thuốc tương tự như với cách mẹ cho trẻ nằm.

3. Một số lưu ý khi vệ sinh mũi cho bé

Mẹ nên vệ sinh mũi cho bé trước khi ăn để hạn chế tình trạng bé bị nốn trớ. Cố gắng rửa mũi cho bé lúc còn thức, vì khi bé mở miệng, mước mũi sẽ không chảy vào họng được. Tránh dùng miệng hút mũi cho bé, vì cách này có thể vô tình làm trẻ mắc các bệnh về đường hô hấp khác.

ve sinh va nho thuoc mui cho be dung cach 4

Mẹ nên hạn chế rửa mũi cho trẻ bằng nước muối quá nhiều khi trẻ không có dấu hiệu bị viêm mũi. Chất nhầy trong mũi trẻ có tác dụng tạo độ ẩm tự nhiên, ngăn bụi bẩn từ môi trường bên ngoài. Rửa mũi quá nhiều với nước muối sẽ làm teo niêm mạc mũi, ảnh hưởng đến quá trình hô hấp của trẻ.

Đặc biệt nhiều mẹ thường truyền tai nhau cách nhỏ nước ép tỏi vào mũi bé để giúp bé dễ thở hơn. Tuy nhiên, điều này là không nên, cách này có thể gây bỏng cho bé, bởi niêm mạc mũi trẻ sơ sinh thì quá mỏng.

Bài viết liên quan