Viêm não Nhật Bản là bệnh truyền nhiễm cấp tính hệ thần kinh trung ương do virus viêm não Nhật Bản gây ra. Bệnh xảy ra chủ yếu ở trẻ em dưới 15 tuổi, đặc biệt nhóm nguy cơ cao nhất là trẻ từ 2 – 6 tuổi.
Trên thực tế, bệnh thường có biểu hiện nhiễm trùng và rối loạn thần kinh ở nhiều mức độ khác nhau, bệnh thường để lại nhiều di chứng nguy hiểm như điếc, mù, động kinh, yếu liệt tay chân và đáng ngại hơn là có tỷ lệ tử vong cao. Hiểu biết rõ về nguyên nhân, triệu chứng của bệnh là cách phòng tránh hiệu quả cho mỗi người trong cộng đồng.
Nguyên nhân gây bệnh
Nguyên nhân chủ yếu của bệnh viêm não Nhật Bản là do nhiễm phải vi rút. Một số ví dụ điển hình là do herpes vi rút, do arbovirus lây truyền do muỗi, bét hoặc các loại côn trùng khác, bệnh dại gây nên do vết cắn của một số động vật nhiễm bệnh như chó hoặc mèo.
Triệu chứng của bệnh
Thời gian ủ bệnh từ 1 – 6 ngày, ngắn nhất là 24 giờ và có khi tới 14 ngày, thường ít có triệu chứng. Viêm não Nhật Bản thường khởi phát đột ngột với các triệu chứng như sốt, đau đầu, buồn nôn và nôn. Sau đó sốt cao, co giật, co cứng cơ và lú lẫn.
Triệu chứng nổi bật trong giai đoạn toàn phát là những dấu hiệu ở màng não và rối loạn thần kinh thực vật. Đối với dấu hiệu màng não có 2 triệu chứng phổ biến là cứng gáy và dấu hiệu Kernig. Rối loạn vận động thể hiện trên nhiều mặt như là co cứng cơ, co vặn, cơn quay mắt quay đầu, co giật, động cơn, run, liệt nửa người và mất vận động ngôn ngữ.
Các triệu chứng thần kinh thực vật tương đối đa dạng và nặng nề. Nhiệt độ giao động, xanh tái, rối loạn hô hấp, tăng tiết đờm dãi, nhịp tim nhanh, có triệu chứng chướng bụng, buồn nôn, bí đại tiểu tiện và ngừng hô hấp đột ngột. Các triệu chứng tâm thần chủ yếu là rối loạn ý thức với các mức độ khác nhau từ u ám, ngủ gà đến hôn mê.
Cách phòng bệnh hiệu quả
Tiêm chủng với ba liều cơ bản, mũi 1 lúc trẻ được 1 tuổi, mũi 2 sau mũi 1 từ 1 đến 2 tuần và mũi 3 cách mũi 2 là 1 năm. Sau đó, cứ 3 – 4 năm tiêm lại một lần cho đến khi trẻ qua 15 tuổi. Khi trẻ có dấu hiệu sốt cao cùng với các triệu chứng tổn thương hệ thần kinh trung ương cần phải đưa trẻ đến ngay cơ sở y tế để được chẩn đoán và điều trị kịp thời.
Do vi rút viêm não Nhật Bản không truyền trực tiếp từ người sang người mà phải qua vector truyền bệnh là muỗi và các vật chủ chính khác như lợn hoặc một số loài chim. Nên để góp phần phòng chống bệnh viêm não Nhật Bản hiệu quả, mọi người trong cộng đồng cần tuân thủ: Thực hiện tốt vệ sinh môi trường, giữ gìn nhà ở, chuồng gia súc sạch sẽ để hạn chế nơi trú đậu của muỗi, nên dời chuồng gia súc xa nhà, loại bỏ các ổ bọ gậy ra.
Về phương diện cá nhân, nhà nhà cần tránh muỗi đốt bằng cách ngủ màn, sử dụng hương diệt muỗi hoặc thuốc xịt ngoài da chống muỗi đốt, gắn lưới cho tất cả các cửa chính, cửa sổ. Khi sinh hoạt bên ngoài vào ban đêm, phải mặc quần áo dài, đi tất. Cần thông quang hoặc lấp các cống rãnh, ao vũng tù đọng quanh nhà. Đặc biệt, không nên cho trẻ em chơi gần chuồng gia súc đề phòng trừ muỗi đốt gây bệnh.