Bệnh mề đay là một phản ứng viêm da, dị ứng ngoài da, hay xuất hiện khi thời tiết chuyển mùa. Bệnh mề đay tuy không gây nguy hiểm đến tính mạng nhưng lại gây ra cảm giác ngứa ngáy, khó chịu cho người bệnh, khiến họ cảm thấy mệt mỏi, ảnh hưởng đến chất lượng cuộc sống, khả năng lao động làm việc.
Nguyên nhân gây bệnh
1. Do cơ thể dị ứng với các loại thức ăn, thực phẩm
Đây là nguyên nhân phổ biến thường gặp, nhiều người bị dị ứng với hải sản như tôm, cua, sò, nghêu, ghẹ, cá biển, thịt bò, trứng, sô cô la, phô mai, các loại mắm, tương, chao, rượu, bia hoặc đồ uống có cồn. Một số người còn dị ứng với thức ăn chế biến sẵn chứa nhiều chất bảo quản, chất tạo màu khác, thức ăn cay nóng.
2. Do nhiễm khuẩn, vi rút
Nguyên nhân nhiễm khuẩn bao gồm viêm gan siêu vi B, C, ký sinh trùng đường ruột, nhiễm nấm da, áp xe răng và viêm xoang. Hoặc do các loại ký sinh trùng trong cơ thể như nhiễm giun kim, giun đũa, giun lươn, giun chỉ, sán,… gây xuất hiện mề đay và thường tái phát nhiều lần.
3. Do di truyền, sức đề kháng yếu
Nếu trong gia đình bạn có người mắc bệnh mề đay thì có thể đó cũng là nguyên nhân khiến bạn mắc bệnh. Hoặc do sức đề kháng của bạn yếu, không chống lại được các tác nhân gây bệnh mề đay trong sinh hoạt và tiếp xúc hàng ngày.
4. Do một số nguyên nhân khác
Do nọc độc của một số loài động vật như ong, kiến, sâu bọ, muỗi, rệp; do dị ứng với rơm rạ, phấn hoa, lông vũ, men mốc, lông động vật; do sự tác động của yếu tố tâm lý như căng thẳng, lo âu, stress, xúc động, gắng sức, áp lực cũng là nguyên nhân làm xuất hiện bệnh mề đay.
Biểu hiện của bệnh
Ngứa trên da: Đây là biểu hiện đầu tiên và chủ yếu khiến người bệnh rất khó chịu, cảm giác ngứa kèm theo nóng rát, khi gãi nhiều có thể gây ra các tổn thương như xước da, mụn mủ bội nhiễm rất nguy hiểm.
Nổi các nốt sẩn phù: Đây là những tổn thương có giới hạn rõ rệt, trong hoặc không đều, kích thước nhỏ, có màu trắng, ngoại vi màu hồng nhạt, ấn vào có cảm giác căng. Có thể nổi sẩn ở 1 vùng giới hạn hoặc khắp cơ thể.
Các thương tổn mề đây nếu xuất hiện ở niêm mạc đường hô hấp có thể gây khó thở, ở niêm mạc dạ dày bệnh nhân có thể có đau bụng từng cơn, nếu phù ở lưỡi, thanh quản, hầu sẽ gây suy hô hấp, phải cấp cứu kịp thời.
Cách điều trị
Để điều trị bệnh mề đay, trước tiên là dựa vào nguyên nhân gây bệnh để có cách phòng tránh tốt nhất. Tránh một số thức ăn dị ứng, chất kích thích để hạn chế mắc bệnh.
Trong cơn nguy cấp, người bệnh có thể ăn nhẹ, giảm muối. Trường hợp gây ngứa, khó chịu nhiều, có thể dùng giấm thanh pha trong nước ấm, kèm theo dung dịch metol và calamine để thoa lên da hoặc tắm. Không nên dùng thuốc mỡ để bôi vì có thể gây viêm da dị ứng.
Đối với bệnh mày đay mãn tính, bạn nên đến bác sĩ chuyên khoa để thực hiện các xét nghiệm cần thiết, nhằm tìm ra nguyên nhân và có cách điều trị thích hợp.