Rất nhiều người mẹ trẻ thường xuyên có thói quen bế cắp nách trẻ. Tuy nhiên, thói quen này liệu có tác hại gì đến sức khỏe và sự phát triển của trẻ hay không? Cùng tìm hiểu lời khuyên từ các chuyên gia nhé các mẹ.
Tác hại của việc bế cắp nách
Theo các chuyên gia, từ lúc chào đời cho đến khi 6 tuổi là thời gian quan trọng nhất để cơ thể bé cấu tạo và phát triển xương. Chính vì thế, thời gian này, các tác nhân từ bên trong cơ thể và bên ngoài môi trường thường có ảnh hưởng không nhỏ đến sự phát triển của xương.
Một số bậc phụ huynh không lưu ý đến vấn đề này và mỗi khi đưa bé đi chơi thường bế cắp nách bé. Điều này thực sự không tốt cho sự phát triển của xương. Nếu ba mẹ bế cắp nách bé thường xuyên và lặp lại trong khoảng thời gian dài, có thể gây ảnh hưởng không nhỏ đến xương đùi, xương chậu và đặc biệt là cẳng chân của bé.
Hậu quả dễ nhận thấy nhất là chân bé sẽ bị vòng kiềng, hoặc chân có hình chữ O hay chữ X. Những bé có chân phát triển bình thường thì hai chân sẽ song song, thẳng khít với nhau. Ba mẹ có thể nhận thấy dấu hiệu khi bé đứng thì hai đầu gối và hai mắt cá trong luôn sát và khít với nhau. Tuy nhiên, những bé có chân vòng kiềng có nghĩa là khi bé đứng thẳng, hai đầu gối nghiêng vào trong, tạo thành khe giữa khoảng 1,5cm.
Ở một số bé gái, chân vòng kiềng sẽ ảnh hưởng đến dáng đi sau này của bé, khiến bé đi xấu và không đẹp. Ở các bé trai, việc bế cắp nách không những khiến chân bé biến dạng vòng kiềng, mà còn có thể tác động đến sự phát triển của xương chậu, xương chân, tinh hoàn, thậm chí là khiến tinh hoàn bị lệch, gây tác động lớn đến việc sinh sản, bé có thể vô sinh sau này.
Một số nguyên nhân khác có thể khiến bé gia tăng nguy cơ bị chân vòng kiềng là do ba mẹ chưa quan tâm nhiều đến bé, áp dụng cho bé một chế độ ăn uống thiếu chất dinh dưỡng, canxi và các vitamin cần thiết cho sự phát triển của xương. Những bé bị còi xương, béo phì, có cân nặng quá tải hay ba mẹ cho bé tập đi quá sớm vẫn có thể mắc bệnh chân vòng kiềng.
Bên cạnh đó, ở những vùng nông thông, ba mẹ thường địu bé trên lưng, để bé cưỡi ngựa, lừa thường xuyên… cũng là nguyên nhân khiến chân bé bị vòng kiềng.
Cách phòng tránh chân vòng kiềng cho bé
Để phòng tránh và hạn chế chân vòng kiềng cho bé, ba mẹ cần phải ý thức và từ bỏ thói quen bế cắp nách bé. Thay vì bế cắp nách, các mẹ có thể khép đùi bé về phía sau để giúp chân bé thẳng hơn.
Trong khoảng thời gian từ 6 tháng cho đến 1 năm tuổi, các mẹ nên lưu ý nắn chân nhẹ nhàng cho bé. Cách này vừa giúp bé phòng tránh chân vòng kiềng, vừa giúp chân bé duỗi thẳng và lưu thông máu. Mẹ nên nắn từ đùi xuống phần mắt cá chân, theo hướng từ ngoài vào trong và chịu khó thực hiện hàng ngày nhé.
Bên cạnh đó, trong khoảng thời gian này, chế độ dinh dưỡng cực kỳ quan trọng cho sự phát triển xương cũng như sự phát triển toàn diện của bé. Do vậy, các bậc phụ huynh nên cho trẻ ăn nhiều loại thức ăn chứa chất dinh dưỡng, nhiều canxi, các loại vitamin, đặc biệt là vitamin D, cần thiết cho sự phát triển của xương. Chẳng hạn như các loại thịt, cá, trứng, sữa, tôm…
Gợi ý cho các mẹ một cách nữa có thể bổ sung lượng vitamin D chính là tắm nắng hàng ngày cho bé. Tia hồng ngoại trong ánh nắng có thể giúp bé bổ sung vitamin, hỗ trợ quá trình hấp thu canxi và phát triển xương. Tuy nhiên, mẹ chỉ nên tắm nắng cho bé trong khoảng thời gian từ 6h30 đến 8h sáng. Không nên tắm nắng trong thời gian quá lâu hoặc tắm nắng vào buổi chiều nhé.
Một điều nữa ba mẹ cần lưu ý là không nên vì quá nôn nóng mà cho trẻ tập đi quá sớm, trong khi hệ xương của bé chưa thực sự hoàn thiện. Nếu ba mẹ bắt bé đứng hoặc đi quá sớm có thể khiến hệ xương biến dạng và tạo thành chân vòng kiềng. Thời điểm thích hợp để bé tập đi là từ 9 tháng tuổi trở lên.
Khi bé tập đi, các mẹ hãy luôn chú ý quan sát và theo dõi bé. Đặc biệt là nên sắp xếp thêm chăn, gối để giảm ảnh hưởng nếu bé bị té nhé.