Rơ lưỡi cho trẻ sơ sinh là một trong những việc các mẹ cần làm để đảm bảo vệ sinh răng miệng cho trẻ, giúp bảo vệ trẻ khỏi những loại vi khuẩn gây hại. Nếu các mẹ chưa biết rơ lưỡi cho trẻ sơ sinh như thế nào cho đúng cách thì có thể tham khảo các thông tin bổ ích dưới đây.
Đối với trẻ sơ sinh, việc rơ lưỡi tương tự như đánh răng hàng ngày ở người lớn. Do trẻ bú mẹ nhiều nên sẽ tạo thành các mảng bám trên lưỡi, khiến trẻ chán bú và gây ra các bệnh về lưỡi như nấm lưỡi, tưa lưỡi, đen miệng… Do đó, mẹ nên rơ lưỡi cho trẻ nhằm bảo vệ sức khỏe răng miệng cho bé nhé.
Để rơ lưỡi cho trẻ sơ sinh, trước hết các mẹ cần chuẩn bị dụng cụ rơ lưỡi là 5 gạc ngón tay tiện dụng, thường được bày bán phổ biến ở các tiệm thuốc tây với giá thành cực kỳ phải chăng.
Tuy nhiên, nếu không có dụng cụ này, mẹ có thể sử dụng một chiếc khăn lạnh, loại nhỏ hoặc một chiếc bông vải mềm. Lưu ý là không sử dụng các loại khăn quá cứng, đổ lông hay thô ráp vì như thế có thể ảnh hưởng đến lưỡi của bé.
Các bước rơ lưỡi cho trẻ
Bước 1: Trước hết, mẹ cần phải rửa tay bằng xà phòng kỹ lưỡng. Sau đó, chuẩn bị một ít nước ấm với nhiệt độ vừa phải và không quá nóng.
Bước 2: Kế đến, mẹ dùng một chiếc khăn quấn quanh ngón tay trỏ và nhúng vào phần nước ấm đã chuẩn bị.
Bước 3: Tiếp theo, mẹ nhẹ nhàng bế bé vào lòng rồi dùng ngón tay trỏ rơ lưỡi, cọ xát lưỡi theo hình vòng tròn.
Bước 4: Với một số mảng bám “cứng đầu”, mẹ có thể cho thêm một ít kem đánh răng không chứa flour lên khăn và tiếp tục chà nhẹ lên phần lưỡi của bé.
Bước 5: Vệ sinh các vùng khác trong miệng trẻ bằng cách di chuyển ngón tay trỏ xung quanh miệng của bé, như vòm má, vùng dưới lưỡi. Tuy nhiên, lưu ý là mẹ nên tuyệt đối nhẹ nhàng, không chà xát quá mạnh vì như vậy có thể khiến bé khó chịu, khóc, nôn ói hay thậm chí xước lưỡi.
Ngoài ra, mẹ cũng nên rơ lưỡi cho bé khi bé đói nhằm hạn chế tình trạng nôn ói. Sau khi bé bú, mẹ nên cho bé uống khoảng 2 muỗng nhỏ nước lọc, đồng thời, nên rơ lưỡi, vệ sinh răng miệng cho bé ít nhất 1 lần/ngày nhé.