Sâu răng là chứng bệnh thường gặp ở trẻ em, bệnh thực chất là sự tiêu hủy cấu trúc vôi hóa chất vô cơ của men răng và ngà răng, tạo nên lỗ hổng trên bề mặt răng do vi khuẩn gây ra. Để phòng ngừa sâu răng hiệu quả, cùng theo dõi bài viết dưới đây, nhằm hiểu rõ hơn về sâu răng ở trẻ và có biện pháp phòng ngừa đúng cách.
1. Nguyên nhân khiến trẻ bị sâu răng
Sâu răng ở trẻ có thể là do men răng có nhiều lỗ hỏng do khiếm khuyết canxi. Thức tế, răng sữa được hình thành từ khi bé còn là thai nhi trong bụng mẹ, do vậy khi mang thai nếu người mẹ ăn uống thiếu canxi thì sau này men răng sữa của bé sẽ không chắc chắn.
Do trẻ ăn nhiều đồ ngọt như kẹo, sô cô la hoặc do vi khuẩn gây sâu răng có sẵn trong miệng, khi thức ăn dính lên bề mặt răng, tạo điều kiện cho vi khuẩn phân hủy thành axit ăn mòn men rặng tạo thành những lỗ sâu.
2. Biểu hiện của sâu răng
Sâu răng ở trẻ em có biểu hiện ban đầu là răng đổi màu ở một vài vùng trên mặt nhai hoặc kẽ giữa hai răng, lúc này trẻ chưa cảm thấy đau hay buốt, lỗ sâu răng chưa có và kích thích do thức ăn nóng, lạnh chưa xảy ra. Một thời gian sau bạn sẽ nhìn thấy lỗ sâu, nếu bạn dùng que lấy hết vụn bẩn thức ăn trong lỗ sâu, đáy lỗ sâu sẽ rộng hơn miệng lỗ sâu.
Ở giai đoạn sau nữa khi thức ăn lọt vào lỗ sâu, khi ăn nóng, lạnh, ngọt… trẻ sẽ cảm thấy đau buốt và khi hết tác nhân kích thích thì sẽ hết đau.
3. Cách phòng ngừa sâu răng hiệu quả
Cách phòng ngừa sâu răng cho bé tốt nhất là giữ vệ sinh răng miệng cho bé, lúc bé còn nhỏ quá chưa biết chải răng nhưng đã mọc răng sữa, người mẹ phải lau răng miệng cho bé sau khi bú, sau mỗi bữa ăn, bằng cách dùng gạc sạch, vô trùng quấn vào đầu ngón tay út, nhúng vào nước sạch lau kỹ hai hàm răng cho bé theo động tác giống như chải răng. Nếu đi xa không có điều kiện lau được thì sau khi bé bú phải cho bé uống nước súc miệng.
Phải chú ý chăm sóc cho bé ngay từ chiếc răng đầu tiên. Chú ý chế độ ăn uống của mẹ khi cho con bú. Tạo điều kiện cho trẻ tiếp xúc với ánh sáng mặt trời để chống còi xương, suy dinh dưỡng, dẫn đến xương hàm kém phát triển, hay biến dạng, răng mọc lệch lạc, nằm nghiêng một bên lâu ngày gây lép méo đầu, lép mặt. Không cho trẻ bú tay hoặc mút núm vú thường xuyên vì có thể gây vẩu hàm trên.
Giảm số lần ăn các chất có đường có hiệu quả phòng ngừa sâu răng. Vì vậy, không nên cho trẻ dùng các thức uống ngọt, hay dùng chất ngọt vào ban đêm. Đối với trẻ có nguy cơ cao bị sâu răng cần tránh cho dùng các loại bánh snack giữa các bữa ăn.