Viêm phổi là bệnh xảy ra khi các tác nhân gây bệnh vượt qua hàng rào bảo vệ của cơ thể và xâm nhập vào đường hô hấp. Từ đó, bạch cầu sẽ bắt đầu tấn công tác nhân gây bệnh.
Với trẻ em bệnh viêm phổi càng đáng lo ngại hơn bởi sức đề kháng của bé còn yếu, dễ nhiễm bệnh. Đây là căn bệnh nếu ba mẹ không phát hiện và chữa trị kịp thời có thể là nguyên nhân gây tử vong cao cho trẻ. Ba mẹ cần lưu ý cách phòng bệnh viêm phổi hiệu quả để chăm trẻ tốt hơn.
Biểu hiện và triệu chứng
– Trẻ thường sốt cao và kéo dài: Sốt cao có thể là triệu chứng của nhiều bệnh khác, tuy nhiên trẻ sốt cao kéo dài trong 2 đến 3 ngày liền thì lại là triệu chứng của viêm phổi. Khi thấy trẻ bị sốt cao mà kéo dài ba mẹ cần đưa trẻ đến bệnh viện gần nhất.
– Nhịp thở nhanh so với lứa tuổi: Đây được coi là dấu hiệu chính và xuất hiện sớm nhất khi trẻ bị viêm phổi. Trẻ dưới hai tháng, thở nhanh khi nhịp thở từ 60 lần/phút trở lên. Trẻ từ hai tháng đến dưới 12 tháng, thở nhanh với 50 lần/phút và trẻ từ 12 tháng đến dưới 5 tuổi có nhịp thở từ 40 lần/phút trở lên.
– Rút lõm lồng ngực: Đây là triệu chứng của trẻ đã bị viêm phổi nặng. Cách để cha mẹ phát hiện duy nhất là nhìn vào phần dưới lồng ngực lõm vào khi trẻ hít vào. Nếu chỉ phần mềm giữa xương sườn hoặc vùng trên xương đòn rút lõm thì không phải là rút lõm lồng ngực.
– Cơ thể tím tái: Tím tái là biểu hiện cơ thể trẻ bị viêm phổi, có thể nhận biết triệu chứng ở mặt, chân, tay cho đến toàn thân có biểu hiện da nhợt nhạt và tím lại thì đó là dấu hiệu của rối loạn hô hấp. Trẻ có hiện tượng này có nghĩa là đang viêm phổi nặng, nếu không được phát hiện và đưa đi cấp cứu kịp thời rất dễ để lại biến chứng, thậm chí là tử vong.
– Triệu chứng khác như: Trẻ thường khó thở, thở khò khè, đau ngực, có thể đau ngực ít hoặc nhiều. Môi khô kèm theo các biểu hiện như mệt mỏi, chán ăn.
– Các bé thường có biểu hiện của bệnh nhiễm khuẩn đường hô hấp, dấu hiệu ho khan, ho khạc đờm, đờm màu trắng đục, màu xanh và màu vàng, đôi khi là ho ra máu.
Cách phòng bệnh viêm phổi ở trẻ nhỏ
– Để phòng tránh bệnh viêm phổi cũng như một số bệnh khác, trẻ phải được bú sữa mẹ hoàn toàn trong sáu tháng đầu đời và kéo dài cho đến khi trẻ được 18 đến 24 tháng. Trẻ phải được chăm sóc, đồng thời bổ sung đầy đủ các chất dinh dưỡng, đặc biệt là trẻ từ 6 tháng đến 2 tuổi.
– Khi mang thai các bà mẹ cần có chế độ dinh dưỡng hợp lý và khám thai đầy đủ để đảm bảo thai nhi phát triển tốt, nhằm hạn chế nguy cơ sinh trẻ non tháng, nhẹ cân hay mắc các bệnh lý bẩm sinh khác. Cần chăm sóc tốt cho bà mẹ và trẻ sau khi sinh.
– Việc tiêm chủng vắc-xin sẽ giúp cung cấp sự bảo vệ chống lại sự nhiễm khuẩn gây ra bởi nhiều chủng phế cầu khác nhau.
– Bảo đảm giữ ấm cho trẻ. Chăm sóc, cho trẻ sơ sinh bú sữa mẹ hoàn toàn để tăng sức đề kháng cho trẻ.
Một số lưu ý khi chăm sóc trẻ bị viêm phổi
– Người chăm sóc trẻ phải rửa tay thường xuyên, sử dụng nguồn nước sạch và giữ gìn vệ sinh mô trường nhằm bảo vệ trẻ chống lại các mầm bệnh gây viêm phổi, tiêu chảy và các bệnh khác. Mẹ nên khử sạch không khí ô nhiễm trong nhà, đặc biệt là khói từ các bếp lò không an toàn sẽ giúp làm giảm nguy cơ viêm phổi nặng ở trẻ.
– Dụng cụ để chăm sóc cho trẻ như cốc, thìa, chăn, áo, tã phải lau sạch và khô ráo, tráng sơ vào nước sôi trước khi sử dụng, tránh không cho tiếp xúc với các nguồn lây bệnh.
– Để tránh đưa trẻ nhập viện trong tình trạng nặng như sốt cao, khó thở, thở nhanh, suy hô hấp, phụ huynh cần chú ý theo dõi khi trẻ có những dấu hiệu chuyển nặng bằng cách đếm nhịp thở và phân biệt độ lõm ở lồng ngực để đưa trẻ đến bệnh viện kịp thời.
– Cho trẻ ăn bổ sung hợp lý, thức ăn bổ sung cần đủ 4 nhóm thực phẩm đó là nhóm ngũ cốc, đạm động vật hoặc đậu đỗ, dầu mỡ và rau quả.
– Mùa hè thời tiết nóng bức khó chịu, nhưng không vì thế mà cho trẻ ăn uống đồ lạnh. Việc ăn quá nhiều kem và thực phẩm để lâu trong tủ lạnh càng làm tăng nguy cơ mắc các bệnh đường hô hấp ở trẻ, trong đó không loại trừ viêm phổi.
– Nếu trong phòng có điều hòa thì bạn nên để chế độ lạnh dưới 25oC, để trẻ nằm hoặc chơi ở nơi thoáng mát, cũng không nên để trẻ ra quá nhiều mồ hôi, nếu không kịp lau khô trẻ sẽ dễ bị cảm lạnh.