Gai cột sống là một căn bệnh thoái hóa cột sống, trong đó xuất hiện các phần xương mọc ra phía ngoài và hai bên của cột sống. Bệnh thường gặp ở nam và tăng dần theo độ tuổi.
Bệnh có thể gặp ở bất kỳ vị trí nào của cột sống nhưng thường nhất là ở khu vực thắt lưng và đốt sống cổ. Gai cột sống khiến người bệnh rất khó chịu, ảnh hưởng đến sức khỏe, cuộc sống sinh hoạt, lao động.
3 nguyên nhân chính gây bệnh
– Do viêm khớp cột sống mãn tính. Quá trình viêm ảnh hưởng đến phần sụn đốt sống, để lâu ngày thì phần sụn bị hao mòn, khiến bề mặt của xương trở nên thô ráp, xù xì và cọ xát vào nhau. Đến đây, cơ thể sẽ có một quá trình tự điều chỉnh, hình thành nên gai xương.
– Khi đĩa liên sống hư hao, xẹp xuống, dây chằng giữa các đốt sống sẽ chùng giãn, khớp chuyển động nhiều hơn. Phản ứng tự nhiên của cơ thể với sự chùng giãn này là làm cho dây chằng dầy lên để có sức giữ vững cột sống. Lâu ngày, canxi sẽ tụ lại trên dây chằng và tạo ra các gai hoặc chồi xương gọi là gai cột sống.
– Gai cột sống là một diễn tiến của sự hóa già. Đĩa sụn và xương bị thoái hóa, hao mòn, mặt xương khớp gồ ghề và gai mọc ra. Ngoài ra, các yếu tố như di truyền, nếp sống không lành mạnh, khuân vác nặng không đúng tư thế, chấn thương liên tục như do tai nạn giao thông cũng là những rủi ro đưa tới sự thoái hóa xương khớp và tạo gai nhanh hơn.
Triệu chứng của bệnh gai cột sống
– Đau thường xuyên ở cổ, thắt lưng, đặc biệt là khi bệnh nhân đứng hoặc đi. Vị trí đau tương ứng với phần cột sống tổn thương liên quan.
– Cảm giác bất thường hoặc mất cảm giác ở phần cột sống liên quan. Trường hợp nặng thì đau tê ở cổ lan qua hai tay, đau ở lưng, rồi đau dọc xuống hai chân.
– Đau tăng lên khi đi lại hay vận động nhiều. Cơn đau tăng khi cử động, giảm khi nghỉ do đó sẽ đưa tới hạn chế cử động ở các phần này.
– Khi dây thần kinh bị chèn ép, bệnh nhân cảm thấy đau ở tay và chân, cơ bắp yếu. Nếu ống tủy bị thu hẹp quá, bệnh nhân sẽ có rối loạn đại tiểu tiện, mất cảm giác. Ngoài ra, mất cân bằng thân cũng là một trong những triệu chứng của bệnh gai cột sống.
Phòng tránh bệnh gai cột sống
1. Có chế độ dinh dưỡng phù hợp
– Ăn uống đầy đủ các chất dinh dưỡng, nhất là các chất giàu canxi.
– Giảm cân nếu béo phì, để giảm chịu lực của cột sống.
– Nên bổ sung một số thực phẩm sau đây vào thực đơn hàng ngày như đậu nành, nấm, mộc nhĩ, hoa quả, cà rốt và nhiều loại thực phẩm giàu vitamin khác.
2. Tập thể dục đều đặn mỗi ngày
– Tập thể dục đặc biệt là các động tác cử độn vùng cột sống cổ và vùng cột sống thắt lưng.
– Tránh những môn thể thao quá sức chịu đựng bình thường của mình, nên chơi các môn thể thao nhẹ như bơi lội, yoga.
3. Tránh các thói quen xấu
– Hạn chế khuân vác nặng gây ảnh hưởng đến cột sống thắt lưng, tránh đội những vật nặng trên đầu gây ảnh hưởng cột sống cổ.
– Hạn chế hút thuốc lá.
– Tránh ngồi quá lâu ở những tư thế không lành mạnh.
– Duy trì cân nặng ở mức vừa phải, tránh làm tăng áp lực lên cột sống.