Sinh non là trường hợp mẹ bầu sinh trước 37 tuần tuổi thai. Việc sinh non không chỉ tiềm ẩn nhiều nguy cơ cho mẹ mà còn ảnh hưởng nghiêm trọng đến sức khỏe của bé về sau.
Trẻ sinh non có thể bị suy hô hấp, chậm phát triển thần kinh, mắc bệnh phổi mãn tính…, nguy hiểm nhất là trẻ có thể tử vong.
Sinh non là hậu quả của những quá trình bệnh lý khác nhau với những nguyên nhân và hình thái khác biệt. Nguyên nhân dẫn đến sinh non có thể là do mẹ bầu làm việc quá sức, dinh dưỡng kém, khi mang thai mẹ bầu thường sử dụng các chất kích thích gây hại, do mắc các bệnh nội khoa hay do sống trong môi trường độc hại.
Dưới đây là những biện pháp giảm thiểu việc sinh non hiệu quả, mẹ bầu cần lưu ý:
1. Có chế độ ăn uống điều độ
Trong quá trình mang thai mẹ bầu cần nạp đủ chất dinh dưỡng cho cơ thể nhằm giúp ngăn ngừa sinh non hiệu quả. Mẹ bầu nên bổ sung vitamin A có trong cà rốt, bông cải xanh hay quả mơ…; bổ sung vitamin C có trong các loại quả họ cam quýt, dâu, kiwi…; bổ sung vitamin E có trong các loại hạt, khoai lang, xoài…; và đừng quên bổ sung đủ axit béo omega 3 có trong cá hồi, quả óc chó, hạt lanh các mẹ nhé.
Bên cạnh việc bổ sung đầy đủ các loại vitamin, mẹ bầu cũng nên bổ sung thêm canxi có trong sữa và các sản phẩm từ sữa khác hoặc nước hoa quả tươi; bổ sung các chất cần thiết cho cơ thể như magie, kẽm, sắt, axit folic, nhằm hạn chế sinh non.
2. Loại bỏ ngay những thói quen xấu
Hút thuốc lá, uống rượu bia quá nhiều, sử dụng ma túy là những nguyên nhân hàng đầu khiến mẹ bầu sinh non. Vì vật, trước khi mang thai cũng như trong quá trình mang thai, mẹ bầu nên loại bỏ ngay những thói quen xấu này.
3. Nên uống nhiều nước
Nước rất quan trọng với cơ thể bà bầu và thai nhi. Mỗi ngày mẹ bầu nên uống 8 ly nước, tương đương khoảng 2,5 lít nước mỗi ngày. Nước giúp tăng tuần hoàn đưa máu tới thai nhi. Nếu người mẹ mất nước, thai nhi sẽ bị thiếu dinh dưỡng. Đặc biệt, mất nước gây ra những cơn co tử cung dẫn đến sinh sớm.
4. Chăm sóc răng miệng tốt
Vi khuẩn gây bệnh về răng, miệng có thể qua nhau thai tấn công thai nhi. Việc chăm sóc răng không tốt của mẹ bầu có thể ảnh hưởng đến quá trình phát triển của thai nhi rất nhiều, dẫn đến hiện tượng sinh non. Các chuyên gia khuyến cáo, phụ nữ khi mang thai, răng lợi rất nhạy cảm, dễ chảy máu nên cần chú ý vệ sinh răng miệng sạch sẽ.
5. Duy trì tâm trạng thoải mái
Khi mang thai, tâm lý người mẹ thay đổi rất nhiều. Lối sinh hoạt của mẹ bầu cũng có nhiều thay đổi so với lúc bình thường nên dễ dẫn đến stress. Vì vậy, để giảm thiểu stress thai kỳ, mẹ bầu nên có biện pháp để việc mang thai trong tư thế chủ động.
Cần trao đổi với người thân về những vấn đề tâm lý của bản thân để được chia sẽ, tránh hiểu lầm. Đồng thời mẹ bầu cũng nên nghỉ ngơi thư giãn bằng cách nghe nhạc, đọc sách…, nhằm giữ tâm trạng luôn vui vẻ, thoải mái.
6. Vận động hợp lý
Việc mẹ bầu lười vận động khiến thai nhi kém phát triển về chiều cao cũng như trí tuệ. Tuy nhiên, việc vận động quá sức cũng có thể gây sảy thai, sinh non. Bởi thế, thai phụ nên lắng nghe cơ thể mình khi vận động.
Mẹ bầu nên tập các bài tập đơn giản như tập thể dục tại chỗ, đi bộ, tập yoga… Nếu những bài tập giúp bạn thấy thoải mái, không mệt mỏi thì tiếp tục. Khi nào thấy cơ thể mệt mỏi, thở gấp, uể oải thì nên ngưng vận động ngay.