Sữa mẹ là thức ăn tốt nhất cho trẻ sơ sinh và trẻ nhỏ. Để đảm bảo nguồn sữa dồi dào, các mẹ cần tạo cho mình những thói quen tốt, duy trì chế độ dinh dưỡng đầy đủ, giúp bé phát triển cao lớn và thông minh. Dưới đây là 7 cách giúp mẹ có nhiều sữa cho con, các mẹ có thể tham khảo và áp dụng ngay nhé.
1. Đảm bảo chế độ dinh dưỡng hợp lí
Ngay cả trong khi mang thai và giai đoạn cho con bú, mẹ cần đảm bảo đủ chất dinh dưỡng cần thiết, ăn chín uống sôi, chú trọng bổ sung thêm chất đạm, vitamin, khoáng chất và các yếu tố vi lượng mới có thể có nhiều sữa sau sinh.
Sau sinh, các mẹ cần bổ sung vào chế độ ăn hàng ngày những món ăn lợi sữa bao gồm cháo móng giò, đu đủ xanh, cháo thịt thăn, sữa nóng, uống nhiều nước ấm, chè lá vằng, rau lang…
2. Uống đủ nước mỗi ngày
Thực tế, trong sữa mẹ có đến 90% là nước. Vì vậy, nếu muốn có nhiều sữa, các mẹ phải uống thật nhiều nước, nhất là trước khi cho con bú. Mỗi ngày, nếu bạn uống đủ 2-2,5 lít nước thì lượng sữa thu được có thể là khoảng 1,8 lít sữa.
3. Cho con bú đều hai bên
Theo cơ chế tiết sữa, bầu vú trống sẽ kích thích tuyến yên tiết protaclin và sẽ tiết sữa. Nếu cho bé bú không đồng đều thì bên ngực thường xuyên cho bú sẽ tiết ra nhiều sữa hơn.
Nhiều mẹ thường cho con bú bên tay phải, nên bầu ngực phía ấy sẽ nhiều sữa hơn. Để khắc phục, bạn nên cho con bú đều cả hai bên. Nếu bé không bú bên kia thì sau khi cho bú một bên, nên vắt sữa bên còn lại để kích thích việc tạo sữa.
4. Thường xuyên massage nhẹ nhàng bầu vú
Trong quá trình mang thai, bạn nên thường xuyên massage bầu vú nhằm có tác dụng kích thích tuyến sữa hoạt động. Sau khi sinh, bạn có thể dùng cơm nếp trộn ít men chua và một ít hành tím băm nhuyễn, dùng tay thoa lên bầu vú và massage ngay sau sinh nở, nhằm giúp thông tuyến sữa, không tắc sữa và sữa thơm hơn.
5. Cho bé bú ngay khi sinh
Những tia sữa đầu tiên được gọi là sữa non chứa rất nhiều kháng thể giúp các bé phòng chống lại bệnh tật ngay khi vừa mới chào đời, vì thế các mẹ cần cho bé bú ngay khi sinh.
Ngoài ra, các mẹ cần cho con bú liên tục, đều đặn nhằm tăng cường tiết hormone, kích thích tuyến sữa hoạt động mạnh, giúp bạn tiết ra nhiều sữa hơn và không sợ bị mất sữa.
6. Hạn chế cho bé bú bình
Trẻ sơ sinh thường sử dụng những cử động lưỡi và hàm khác nhau khi bú mẹ và bú bình. Khi bé mới làm quen với việc bú mẹ nhưng cũng cùng lúc học việc bú bình, việc bú mẹ của bé có thể bị ảnh hưởng theo chiều xấu. Do đó, mẹ cần hạn chế việc cho con bú bình, ngay cả khi đó là sữa mẹ.
7. Có chế độ nghỉ ngơi, thư giãn hợp lý
Trạng thái tinh thần tác động rất lớn đến nguồn sữa sau khi sinh cả về số lượng và chất ượng, ít nhất là trong thời kỳ mang thai và cho con bú. Vì vậy, các mẹ cần giữ cho mình một trạng thái tinh thần vui vẻ, thoải mái, thư giãn, hạn chế căng thẳng, stress, tránh làm việc quá sức nếu không có thể dẫn đến tình trạng ít sữa, thiếu sữa trầm trọng.