Dị tật bẩm sinh là những dị tật đã có mặt ngay từ lúc sinh hoặc biến chứng khi sinh trẻ sinh ra. Một số dị tật bẩm sinh có thể rất nhẹ, trẻ sinh ra có vẻ giống như những trẻ bình thường khác. Tuy nhiên cũng có một số dị tật bẩm sinh khác, có thể gây ảnh hưởng nghiêm trọng đến sự phát triển tinh thần và thể chất của trẻ.
Nguyên nhân gây dị tật bẩm sinh ở trẻ sơ sinh:
Các dị tật bẩm sinh xảy ra có thể do bất thường của vật chất di truyền như là nhiễm sắc thể, gen. Do tác động phối hợp giữa di truyền và các yếu tố môi trường như nhiệt độ, vitamin, do tình trạng dinh dưỡng hoặc do tác động của các yếu tố môi trường gây nên những bất thường trong quá trình phát triển phôi thai.
Dưới đây là một số dị tật bẩm sinh thường gặp ở trẻ sơ sinh:
1. Dị tật tim bẩm sinh
Loại dị tật này thường xuất hiện với dấu hiệu là nhịp tim đập nhanh, khó thở, trẻ kém tăng cân, xuất hiện phù ở chân, bụng, thậm chí là ở mắt, làn da xanh xám và nhợt nhạt. Nguyên nhân gây ra di tật này là do những bất thường về gen hoặc sự cố trong quá trình phát triển của trẻ. Một số trường hợp dị tật tim nhẹ thường không có triệu chứng rõ nét.
Cách điều trị: Phần lớn các trường hợp dị tật tim sẽ được cải thiện qua phẫu thuật và dùng thuốc.
2. Dị tật chân vẹo
Chân vẹo là dấu hiệu dị tật thường gặp ở bé trai, bao gồm nhiều hình thức dị dạng ở chân và mắt cá chân. Vẹo chân có thể bị nhẹ hoặc nặng và ảnh hưởng đến một hoặc cả hai chân của trẻ.
Cách điều trị: Trường hợp nhẹ thì trẻ có thể được điều chỉnh các động tác nắn chỉnh chân, kết hợp với những bài tập đặc biệt để giúp đôi chân về đúng vị trí. Trường hợp nặng thì bác sĩ sẽ có biện pháp mạnh hơn như bó bột, phẩu thuật, kết hợp những bài tập chân đặc biệt để giúp bé nhanh chóng lành bệnh.
3. Môi chẻ hoặc hở hàm ếch
Dấu hiệu nhận biết trẻ bị môi chẻ hoặc hở hàm ếch là trên môi của trẻ sẽ có vết khía như hình chữ V, nặng hơn nữa là ở cả môi trên, mũi hoặc hàm ếch của trẻ đều bị tổn thương. Trẻ bị hở hàm ếch thường bị cản trở phát triển ngôn ngữ và khó khăn trong việc ăn uống.
Cách điều trị: Tùy vào cấp độ của bệnh mà bác sĩ sẽ có từng liệu trình cho trẻ. Một cuộc phẫu thuật dành riêng cho trẻ bị chẻ môi có thể được tiến hành ngay khi trẻ được khoảng 3 tháng tuổi. Phẫu thuật sẽ chỉnh lại phần môi bị chẻ, tách biệt phần môi và mũi sẽ được tiến hành muộn hơn, khi trẻ được khoảng 6 – 12 tháng tuổi, thời kỳ trẻ đã có bộ mặt tương đối hoàn chỉnh.
4. Thiếu chi hoặc chân tay dị dạng
Trẻ bị thiếu chi hoặc chân tay bị dị dạng có thể là kết quả của việc mẹ bị nhiễm hóa chất hoặc vi rút trong thời kỳ thai nghén.
Cách điều trị: Khi trẻ sinh ra với chân hoặc tay dị dạng, bác sĩ sẽ tiến hành phẫu thuật chỉnh hình cho trẻ hoặc trẻ có thể phải lắp ghép chân hoặc tay giả. Đồng thời, trẻ phải luyện tập những bài tập thể chất để học cách sử dụng chân hoặc tay giả như cách trẻ điều khiển các cơ quan khác trên cơ thể mình.
5. Hội chứng Down
Trẻ chào đời mắc hội chứng down sẽ có những biểu hiện khá đặc biệt, bao gồm: mắt hơi nghiêng, tai nhỏ và bị cuộn lại ở đầu tai; miệng nhỏ với chiếc lưỡi lớn; mũi nhỏ; cổ ngắn; tay nhỏ và móng tay ngắn.
Trẻ mắc hội chứng Down kém phát triển thị giác và thính giác. Các chứng bệnh nhiễm trùng tai, tim bẩm sinh cũng khá phổ biến với các trẻ mắc phải dị tật này. Trẻ cũng không thể phát triển thế chất bình thường như các trẻ khác, bao gồm việc trẻ khó khăn khi tập đi, nói chuyện hoặc ngồi bô.