Ba mẹ vẫn luôn lo lắng khi thấy bé nhà mình bỗng dưng mệt mỏi, sốt cao, có triệu chứng của bệnh cảm cúm mà không biết nguyên nhân là gì và phải làm sao để phòng bệnh cho bé trước khi phát bệnh. Bài viết dưới đây sẽ chia sẻ về nguyên nhân và cách phòng bệnh cảm cúm cho bé, ba mẹ hãy cùng tìm hiểu để chăm sóc cho bé nhà mình tốt hơn nhé!
Một số nguyên nhân gây bệnh cho bé:
Nguyên nhân chính mà bé hay bị cảm cúm là do hệ miễn dịch của bé chưa hoàn thiện. Ngoài ra, có trên 200 loại virus khác nhau gây ra bệnh cảm lạnh thông thường và hệ miễn dịch của con bạn phải phát triển để chống lại chúng mỗi khi bé ốm. Mỗi ngày trôi qua, bé luôn khám phá mọi thứ xung quanh bằng cách sờ tay vào mọi vật. Sau đó, bé sẽ dụi tay vào mắt, mũi miêng, kết quả là virus sẽ theo đó xâm nhập vào cơ thể.
Cách phòng bệnh cảm cúm hiệu quả cho bé:
Tiêm chủng
Theo trung tâm kiểm soát dịch bệnh, cách tốt nhất để tránh cảm cúm cho bé và tiêm phòng. Tiêm phòng cúm dành cho nhiều lứa tuổi, nhất là những bé dưới 5 tuổi.
Cho bé nghỉ ở nhà khi thấy bé không được khỏe
Khi bé chớm bệnh cúm, ba mẹ có thể cho bé điều trị tại nhà, nghỉ ngơi, nằm nghỉ trên giường, uống nhiều nước. Nên dùng thức ăn lỏng và ấm, giàu vitamin C kết hợp thuốc hạ sốt, súc miệng bắng nước muối, nhỏ mũi… để giảm ho. Đây sẽ là cách tốt nhất để ngăn chặn sự lây lan của mầm cúm khi bé đi nhà trẻ hay mẫu giáo.
Giữ tay bé thật sạch sẽ
Rất nhiều vi trùng cư trú trên bàn tay của bé trong cả ngày, ba mẹ nên rửa tay cho con bằng xà phòng và nước ấm thường xuyên. Đặc biệt nhất là sau khi bé ăn, sau khi bé ho, xì mũi hoặc đi vào nhà tắm.
Hạn chế lây mầm cúm từ mẹ sang con
Ba mẹ nên ho, hắt hơi hay xì mũi vào khăn giấy. Tránh ho hay hắt hơi vào tay mẹ vì tay mẹ hay phải tiếp tiếp xúc với con. Nếu không có sẵn khăn giấy, ba mẹ có thể uốn cong khuỷ tay lên và hắt hơi vào tay áo của bạn. Quay đầu ra xa chỗ có bé.
Cho bé nghỉ ngơi nhiều
Khi bé ngủ, nghỉ ngơi và thư giãn, hệ miễn dịch của bé có cơ hội săn lùng và tiêu diệt những vi trùng có hại. Thiếu ngủ và mệt mỏi sẽ khiến bé dễ bị bệnh cúm tấn công. Ba mẹ nên cho bé ngủ hơn 7 – 8 tiếng mỗi đêm.
Tránh cho bé đến những nơi đông người
Một người bị cúm có thể lây bệnh cho bé nhưng phải đến 5 ngày sau, bé mới bắt đầu xuất hiện dấu hiệu cảm cúm. Tránh cho bé tiếp xúc với những người có triệu chứng như cúm hoặc ở những nơi đông người không cần thiết.
Cho bé ăn nhiều hoa quả, rau xanh
Rau quả rất cần cho bé trong mùa lạnh cũng như trong mùa cúm. Các vitamin và khoáng chất được tìm thấy trong rau quả giúp bé tăng cường miễn dich và tránh bệnh tật.
Cho bé vận động ngoài trời
Đừng nghĩ là ra ngoài sẽ khiến bé bị ốm nhưng trong thực tế tiếp xúc với không khí trong lành kết hợp với vận động hợp lý sẽ giúp bé tăng cường sức khỏe và chống cảm cúm hiệu quả.
Tránh xa khói thuốc
Khói thuốc lá không chỉ ảnh hưởng đối với trẻ nhỏ mà người lớn cũng thế. Khói thuốc có thể làm tăng nguy cơ nhiễm cúm của bé cũng như các bệnh về tim mạch và đặc biệt là gây ung thư cho bé.
Hạn chế cho bé chạm tay vào mắt, mũi hay miệng
Virus gây cúm có thể từ tay bé vào cơ thể qua niêm mạc mắt, mũi và miệng. Cố gắng để bé không chạm tay lên mặt càng nhiều càng tốt. Nếu bạn muốn vệ sinh mặt mũi cho con thì bạn cần rửa tay thật sạch bằng xà phòng và lau khô trước khi chạm vào con.