Khi bé ra đời tròn 1 tháng tuổi ba mẹ sẽ tổ chức 1 mâm lễ cúng đầy tháng để chào đón 1 thành viên mới trong gia đình. Cúng đầy tháng hay còn gọi là cúng Mụ chính là phong tục quen thuộc của người Việt Nam, đây là một nghi thức ý nghĩa và gắn liền với mỗi con người.
Quan niệm dân gian cho rằng, lễ đầy tháng của bé phải theo nguyên tắc “gái sụt hai, trai sụt một” có nghĩa là cúng đầy tháng cho bé gái sẽ được làm trước hai ngày và cúng đầy tháng cho bé trai sẽ được làm trước một ngày. Cúng đầy tháng cho bé phải làm theo ngày âm lịch có nghĩa là chọn đúng vào ngày sinh âm lịch của con mình để thực hiện nghi lễ. Giờ cúng nên bắt đầu vào sáng sớm hoặc khi chiều tối sẽ thích hợp hơn.
Theo tín ngưỡng dân gian, từ khi bé ở trong bụng mẹ cho đến khi bé được sinh ra thì được 12 bà Mụ và 1 bà Mụ Chúa chăm sóc. Do vậy, mâm cúng phải đầy đủ 12 chén chè nhỏ, 12 dĩa xôi nhỏ, 12 chén cháo nhỏ, 1 dĩa xôi lớn, 1 tô chè lớn và 1 tô cháo lớn. Ngoài ra còn có các lễ vật khác để cúng Đức Ông và 3 Đức Thầy như trái cây, hoa, nhang, đèn cầy, gạo muối, trà, rượu, nước, giấy cúng, trầu tem cánh phượng…. Cùng các lễ vật này thì còn có thêm chén, đũa, muỗng và không thể thiếu 1 đôi đũa hoa.
12 chén chè cúng 12 bà Mụ gồm:
Bà mụ Trần Tứ Nương là người coi việc sanh đẻ.
Bà mụ Vạn Tứ Nương làn người coi việc thai nghén.
Bà mụ Lâm Cửu Nương là người coi việc thụ thai.
Bà mụ Lưu Thất Nương là người coi việc nặn hình hài nam, nữ cho đứa bé.
Bà mụ Lâm Nhất Nương là người coi việc chăm sóc bào thai.
Bà mụ Lý Đại Nương là người coi việc chuyển dạ.
Bà mụ Hứa Đại Nương là người coi việc khai hoa nở nhụy.
Bà mụ Cao Tứ Nương là người coi việc ở cữ.
Bà mụ Tăng Ngũ Nương coi việc chăm sóc trẻ sơ sinh.
Bà mụ Mã Ngũ Nương là người coi việc ẵm bồng con trẻ.
Bà mụ Trúc Ngũ Nương là người coi việc giữ trẻ.
Bà mụ Nguyễn Tam Nương là người coi việc chứng kiến và giám sát việc sinh đẻ.
Ba Đức thầy bao gồm: Thánh sư, tổ sư và tiên sư có chức năng truyền dạy nghề nghiệp (không phải 13 đức thầy).
Tất cả các lễ vật cúng đầy tháng nên được bài trí một cách hài hòa, cân đối ở chính giữa phía trên của hương án, trong đó lễ vật dâng các bà mụ chia làm 12 phần nhỏ đều nhau và 1 phần to hơn cho bà Mụ chúa. Mâm lễ mặn với hương, hoa, nước trắng để trên cùng và mâm tôm, cua, ốc để phía dưới. Soạn mâm trên đầu giường em bé nằm rồi đốt nến lên cúng bà Mụ. Sau đó đốt quần áo tiền vàng cho các bà mụ, bóc bim bim và hoa quả cho trẻ con trong nhà, chia sách bút cho các bé lấy lộc, giữ lại cho con mình một vài món.
Sau nghi thức cung kính là nghi thức khai hoa hay còn được dân gian gọi là nghi thức “bắt miếng”. Bé sẽ được đặt ngay trên bàn giữa, ba mẹ bé rót trà thắp hương xin phép bắt miếng. Sau đó, bồng đứa trẻ một tay, tay kia cầm một nhánh hoa điệp hoặc có thể là hoa khác vừa quơ qua, quơ lại trên miệng bé vừa dạy những lời tốt đẹp như sau: “Mở miệng ra cho có bông, có hoa. Mở miệng ra cho kẻ thương, người nhớ. Mở miệng ra cho có bạc, có tiền. Mở miệng ra cho xóm giềng quý mến…”
Sau khi cầu chúc những điều tốt lành đến với bé, ba mẹ sẽ tiếp tục nghi thức đặt tên cho con. Theo đó, ba mẹ sẽ lấy 2 đồng tiền cổ làm bằng bạc thật và gieo vào một chiếc đĩa. Nếu có một mặt úp, một mặt ngửa thì chứng tỏ cái tên đã được tổ tiên chứng giám và ưng thuận. Ngược lại, nếu đều là 2 mặt úp hoặc 2 mặt ngược thì phải tiến hành gieo đồng tiền này lại. Nếu đã 3 lần mà vẫn chưa được thì phải đặt tên khác cho trẻ.
Sau tất cả các nghi thức này là lời chúc mừng và tặng quà hoặc tiền lì xì của khách mời, của dòng họ bà con cho cháu bé và gia đình nhân ngày cháu tròn một tháng tuổi.