Nôn trớ là bệnh trẻ em thường gặp, nhất là những trẻ đang trong thời kì bú mẹ. Trẻ càng nhỏ thì việc nôn trớ càng diễn ra thường xuyên. Chính vì vậy mà rất nhiều phụ huynh rất lơ là và không để ý đến. Việc trẻ bị nôn trớ có thể là dấu hiệu của chứng thiếu canxi hoặc là dấu hiệu bệnh lý liên quan đến chứng rối loạn tiêu hóa ở trẻ. Vậy nên ba mẹ cần phải cẩn thận chăm sóc trẻ trong giai đoạn bú mẹ, để trẻ phát triển khỏe mạnh và thông minh hơn.
1. Nguyên nhân trẻ hay bị nôn trớ
Trẻ dưới ba tháng tuổi thường hay bị nôn trớ do hệ tiêu hóa của bé chưa hoàn thiện. Khi mới sinh ra, dạ dày của bé nằm ở tư thế ngang cho nên chuyện vừa bú xong lại nôn trớ ra cùng là chuyện bình thường.
Một số bé có tình trạng nôn trớ là do bị di ứng với các loại sữa bột công thức. Thực tế đã chứng minh, bé nào bú sữa mẹ thì ít bị nôn trớ hơn nhiều.
Nôn trớ có thể giảm dần khi bé lớn lên. Tuy nhiên, trong một số trường hợp, bé vẫn hay bị nôn trớ cho đến tận 5 tuổi.
Bé có thể nôn trớ do sinh non, cơ thể yếu và thường mắc các bệnh về đường tiêu hóa. Khi bé khó chịu, ốm sốt nặng thì tình trạng nôn trớ càng hay xảy ra hơn.
2. Cách khắc phục hiệu quả khi trẻ bị nôn trớ
Phản xạ tự nhiên của bé khi bú mẹ hoặc bú bình là nuốt, tuy nhiên nếu khoang miệng của trẻ nhỏ mà lượng sữa lại nhiều thì trẻ sẽ bị nôn ói. Đây là biểu hiện nôn sinh lý do thức ăn trong dạ dày bị đẩy lên thực quản rồi trào ra miệng. Mẹ nên cho bé bú từ từ, không để bú quá no, sau khi bú mẹ thì khoảng 15 phút sau hãy cho bé nằm xuống.
Đối với trẻ bú bình, mẹ nên nghiêng bình sữa sao cho ngập cổ bình để tránh nuốt không khí vào dạ dày gây nôn trớ. Trường hợp này sẽ giảm dần khi trẻ lớn lên và có thể mất hẳn mà không cần biện pháp can thiệp nào khác.
Khi cho bé bú, mẹ không nên để bé quấy khóc vì khi khóc, bé có thể nuốt nhiều hơn, gây căng dạ dày nên dễ trào ngược. Và đặc biệt khi con đang bú, mẹ không nên dịch chuyển bé và không lắc mạnh vào bé.
Giữ chuẩn tư thế khi bé vừa bú xong
Khi cho bé bú, mẹ nên để đầu của bé cao lên trong 15 đến 20 phút, vỗ lưng cho bé ợ hơi, sau đó đặt nằm nghiêng bên trái và kê gối hơi cao. Mẹ cần vỗ lưng bé cho tới khi nghe tiếng ợ lớn. Cách làm này nhằm đẩy không khí trong dạ dày ra ngoài, để tránh việc bị nôn trớ mạnh.
Mẹ không nên để cho trẻ nằm bú vì rất dễ bị sặc và trớ sữa. Mẹ nên cho bé bú trong tư thế cao đầu, cũng không được nâng bé lên xuống sau khi bú. Không để trẻ thay đổi tư thế đột ngột ngay sau khi bú và không làm trẻ cười lớn.
Nên chia thành nhiều bữa nhỏ
Việc cho bé bú hoặc ăn nhiều cùng một lúc sẽ khiến dạ dày trẻ bị căng lên khiến thức ăn dễ trào ra ngoài. Vì vậy, nếu con hay bị nôn trớ, mẹ càng cần cho bé ăn thành nhiều bữa, không cần ép trẻ phải ăn đúng và đủ lượng chuẩn theo độ tuổi của bé mà các mẹ đã tham khảo. Mẹ không nên ép bé ăn thêm khi bé đã no khi bé đã nhè ra. Nên chia khoảng cách các bữa ăn hoặc bú với nhau khoảng 2 giờ. Với những thức ăn mới, mẹ càng phải chia nhỏ nhiều lần và nên cho con ăn với lượng tăng dần để thử sự thích ứng của trẻ.
Nới lỏng quần áo cho bé
Khi mặc quần áo chật hoặc bị quấn tã, bỉm chật, thành bụng và dạ dày của trẻ sẽ bì chèn ép nên dễ dồn nén, đẩy thức ăn ngược lên. Với các bé hay bị nôn trớ, mẹ nên cho bé mặc càng thoáng càng tốt. Khi cho bé bú nên nới lỏng quần áo, nhất là khu vực quanh bụng.
Đưa đến bác sĩ kịp thời
Mẹ nên chú ý khi thấy bé nôn kèm theo sốt, ho, phát ban, đau bụng quằn quại, co giật … Vì đây không phải là nôn sinh lý mà đó là dấu hiệu bệnh lý liên quan đến việc trẻ bị rối loạn tiêu hóa do nhiễm trùng đường ruột hay nhiễm khuẩn tiêu chảy, viêm màng não, dị ứng sữa. Do vậy, cha mẹ cần đưa bé đến bác sĩ để được thăm khám và xử trí kịp thời, tránh gây hậu quả đáng tiếc về sau.