Nhiều ông bố bà mẹ lần đầu tiên lên chức không khỏi bỡ ngỡ, lo lắng về cách chăm sóc trẻ sơ sinh trong tuần đầu tiên. Họ không biết làm cách nào để chăm sóc bé chóng lớn mà vẫn đảm bảo sức khỏe như những đứa trẻ khác. Cùng chúng tôi tìm hiểu các bước chăm sóc trẻ sơ sinh đơn giản dưới đây nhé.
1. Chăm sóc giấc ngủ của bé
Việc phát triển của bé sơ sinh phần nhiều phụ thuộc vào giấc ngủ và bú sữa. Bé một tuần tuổi thường ngủ ngay trong khi đang bú mẹ và rất khó đánh thức. Khi con bạn đang ngủ, có nghĩa bé đang tiết kiệm năng lượng và sinh ra các hormone phát triển.
Tư thể ngủ cũng một phần ảnh hưởng đến giấc ngủ của bé, bạn nên cho bé nằm ngửa khi ngủ. Tuy nhiên, càng về sau thời gian thức của bé càng nhiều hơn. Vậy nên, lúc đó bạn cần cho bé nằm sấp mỗi ngày để cổ được cứng cáp hơn.
2. Cách cho bé bú mẹ
Việc cho bé bú mẹ hoàn toàn, hay vừa bú bình vừa bú mẹ dựa vào sức khỏe và tình trạng sữa của mẹ. Ngay khi sinh 1 đến 2 ngày, có thể sữa mẹ chưa xuống, nhưng đến những ngày tiếp theo, khi có sữa mẹ nên tăng cường cho trẻ bú.
Hầu hết trẻ sơ sinh cần được cho bú từ 2 – 4 giờ đồng hồ, và có khoảng 8 – 12 bữa ăn trong ngày. Em bé sẽ đánh thức bạn khi bé muốn ăn. Tuy nhiên, có những em bé, bạn cần phải chủ động, âu yếm, động viên cho ăn. Đó là những em bé sinh non, bị vàng da.
Nhiều mẹ lo lắng khi phát hiện thấy trẻ bị nấc giống như người lớn. Thực ra, ngay từ lúc còn nằm trong bụng mẹ, trẻ đã xuất hiện tình trạng này. Nấc là hiện tượng tự nhiên nên nó cũng tự biến mất trong một khoảng thời gian ngắn và không cần quá lo lắng.
3. Chăm sóc rốn cho bé
Cuống rốn của bé có thể rụng trong tuần, hãy giữ cuống rốn khô, sạch và để nó tự rụng. Nếu có thấy chút máu hoặc chất nhờn dính trên tã hoặc áo từ dây rốn, nên cẩn thận hơn khi vệ sinh và giữ thật khô với bông gòn. Tốt nhất nên vệ sinh chăm sóc vùng rốn ngay sau khi tắm.
Trường hợp rốn chưa rụng tại thời điểm này cũng không có gì phải lo lắng, hãy chăm sóc rốn sạch sẽ mỗi ngày sau tắm, khi thấy có dấu hiệu bất thường như dây rốn viêm đỏ có mủ, chân rốn ướt có dịch, tấy đỏ quanh rốn, hãy cho trẻ đi khám ngay mẹ nhé.
4. Vệ sinh cho bé
Tắm cho trẻ là thời gian đặc biệt để mẹ và trẻ gần gũi hơn nhưng có thể sẽ mất vài tuần trước khi mẹ quen dần và cả hai cùng yêu thích hoạt động này.
Nếu mẹ chưa sẵn sàng, sợ bé bị trượt tay và rơi vào nước, hãy nhờ sự giúp đỡ từ người thân. Trẻ có thể tắm mỗi ngày với nước ấm hoặc lau sạch người bằng khăn mềm với nước ấm và xà bông dành riêng cho trẻ xen kẽ những ngày tắm kỹ lưỡng.
5. Thay quần áo cho bé
Bé trong giai đoạn 1 tuần tuổi, chân và tay bé có biểu hiện xanh xao và hơi tái. Để nhận biết bé có lạnh hay không, bạn có thể sờ mu bàn tay mình vào gáy bé hoặc cặp nhiệt độ cho bé.
Với tiết trời lạnh, bạn có thể mặc quần áo ấm, đội mũ đồng thời không quên quấn thêm chiếc khăn mỏng bên ngoài khi cho bé bú. Nếu trời ấm hơn, bạn có thể cởi bỏ mũ hoặc tháo chăn quấn bên ngoài cho bé. Bạn cũng nên thường xuyên kiểm tra để thay tã cho bé phòng trường hợp bé bị nhiễm lạnh.
6. Tiêm phòng
Khi bé vừa chào đời, việc tiêm cho bé 1 hoặc 2 mũi vào bắp đùi của mình ngay sau khi sinh vài giờ là vô cùng quan trọng. Bạn nên cho bé tiêm mũi thứ nhất là Vitamin K, mũi tiêm này có tác dụng giúp ngăn ngừa rối loạn chảy máu gây ra bởi sự thiếu hụt vitamin K hay còn gọi là bệnh xuất huyết của trẻ sơ sinh, mũi tiêm thứ hai là chủng ngừa viêm gan B, đây là chủng ngừa vô cùng quan trọng cho bé.