Trầm cảm sau sinh là căn bệnh nguy hiểm, thường xảy ra ở những chị em phụ nữ sau sinh. Những chị em phụ nữ mắc bệnh có các triệu chứng mất kiểm soát về suy nghĩ và hành động. Chính vì thế, nếu không được chữa trị kịp thời, bệnh sẽ ngày càng nghiêm trọng và người bệnh có thể gây hại cho sức khỏe của bản thân và mọi người trong gia đình.
Nguyên nhân
Sau khi sinh, người mẹ thường có nồng độ hormon thay đổi, dẫn đến sự thay đổi về cơ thể lẫn tâm lý. Hơn nữa, sự thay đổi nồng độ hormon, thay đổi về thể tích máu, hệ miễn dịch, huyết áp cũng có thể gây ra các cảm giác mệt mỏi, chán chường khiến người mẹ bị trầm cảm.
Bên cạnh đó, khi mới làm mẹ lần đầu, nhiều bà mẹ trẻ thường gặp khó khăn khi chăm sóc bé, dẫn đến tình trạng căng thẳng, mất ngủ hoặc quá mức lo lắng mà từ đó mất kiểm soát về suy nghĩ cũng như hành động.
Một nguyên nhân khác có thể là do sau khi sinh bé, mẹ thường gặp phải khó khăn về mặt tài chính, không được sự giúp đỡ, hỗ trợ từ người thân trong gia đình hoặc trong gia đình thường xuyên xảy ra mâu thuẫn, cãi vã lẫn nhau.
Đối tượng có nguy cơ mắc bệnh trầm cảm sau sinh cao cũng là những người hay bị rối loạn kinh nguyệt, đã phải trải qua việc điều trị vô sinh, hoặc gặp các biến chứng trong thời gian mang thai, sinh con và cho con bú.
Triệu chứng
Người mắc bệnh trầm cảm sau sinh có các triệu chứng như hay thay đổi tâm trạng, buồn vui thất thường, mất tập trung, thường xuyên có cảm giác bất an, bi quan, chán nản, thậm chí tức giận, khó chịu, cảm thấy tội lỗi và không quan tâm đến bé.
Trong một số trường hợp nặng, người bệnh còn có thể có những hành động gây nguy hiểm cho bản thân, chẳng hạn như tự sát hoặc làm hại đến con trẻ.
Do đó, khi người mẹ có những biểu hiện và triệu chứng của bệnh trầm cảm, các thành viên trong gia đình nên can thiệp và đưa người mẹ đến khám tại các bệnh viện, để được các bác sĩ chuyên khoa chuẩn đoán và chữa trị cụ thể.
Cách chữa trị bệnh trầm cảm
Để chữa trị bệnh trầm cảm, các bác sĩ thường kết hợp nhiều phương pháp khác nhau, nổi bật là việc cho bệnh nhân dùng thuốc chống trầm cảm, cân bằng hormon, kết hợp với việc sử dụng các liệu pháp tâm lý và sự hỗ trợ từ gia đình.
Tuy nhiên, gia đình nên để ý kỹ lưỡng các triệu chứng của người bệnh, đồng thời, quan sát hiệu quả của thuốc uống để báo với các bác sĩ chuyên khoa, nhằm giúp bệnh nhân chữa trị dứt điểm căn bệnh trầm cảm.
Bên cạnh việc dùng thuốc, cho bệnh nhân chữa trị với các chuyên gia tâm lý cũng là một trong những cách chữa trị hiệu quả bệnh trầm cảm. Một số chuyên gia cho biết, gia đình nên cho bệnh nhân được tư vấn tâm lý khoảng 1 tuần/lần để nhanh chóng thuyên giảm bệnh.
Ngoài ra, để chữa trị bệnh trầm cảm cho người mẹ, sự giúp đỡ và hỗ trợ từ gia đình là hết sức cần thiết. Chính vì thế, gia đình nên cho người bệnh nghỉ ngơi, bổ sung các loại thức ăn chứa nhiều chất dinh dưỡng, ăn nhiều trái cây, rau quả. Đồng thời, luôn luôn trò chuyện, chia sẻ, động viên người mẹ vượt qua căn bệnh trầm cảm.