Bệnh trầm cảm ở trẻ được hiểu là sự buồn rầu, trẻ luôn mang cảm giác hụt hẫng và buồn bã. Hơn thế nữa, trẻ luôn cảm thấy chán chường, bất an, dễ nổi cáu, không có khả năng tập trung, chúng thường chẳng quan tâm đến những gì sẽ xảy ra trong tương lai,… Trầm cảm ở thời thơ ấu thường tái phát và tiếp diễn ở tuổi trưởng thành nếu không được điều trị đúng cách.
Nguyên nhân khiến trẻ bị trầm cảm
Chất lượng quan hệ trong gia đình giảm, ví dụ như cha mẹ ly thân. Lúc này trẻ sẽ cảm thấy hụt hẫng và có xu hướng nghĩ là do lỗi của mình. Ngoài ra, khi cha mẹ ly thân trẻ sẽ sống với một trong hai người do đó thiếu vắng tình cảm của gia đình, dẫn đến hụt hẫng tinh thần ở trẻ.
Trong gia đình có người thân mất hay thú cưng chết, và trẻ luôn cảm thấy lo lắng và cho rằng mình có lỗi. Hoặc có thể trẻ bị bạn bè bắt nạt nhưng không thể nói với ai, cha mẹ không quam tâm hỏi han càng khiến cho trẻ có cảm giác bị bỏ rơi và thường hay sợ đám đông.
Áp lực học tập: Cha mẹ nào cũng muốn con mình học giỏi, thông minh nên đặt cho bé mục tiêu học tập quá cao, bắt trẻ học nhiều, khi trẻ không đạt được kết quả tốt như điểm kém thì cha mẹ tỏ thái độ không hài lòng, tức giận, có khi phạt trẻ. Hoặc có thể do trẻ thất bại trong học tập hay thi cử mặc dù trước đó trẻ học rất giỏi.
Thay đổi môi trường sống đột ngột cũng một phần khiến trẻ mắc phải bệnh trầm cảm. Ví dụ như bố mẹ chuyển nhà hay chuyển trường nhưng không cho bé biết. Trong trường hợp này bé sẽ cho rằng do mình học dở không bằng bạn bè nên mới bị chuyển trường. Đồng thời, với việc lạ chỗ ở trẻ rất sợ khi ngủ.
Tiền căn bệnh của gia đình: Cha hay mẹ hoặc trong gia đình có người từng bị trầm cảm, đó cũng là một trong những nguyên nhân khiến cho trẻ dễ bị ảnh hưởng theo.
Dấu hiệu nhận biết trẻ bị trầm cảm
Trẻ thường cảm thấy buồn, xuống tinh thần mà không có lý do. Trẻ thiếu năng lượng, cảm thấy không thể làm bất cứ điều gì dù đó là một nhiệm vụ đơn giản nhất.
Trẻ không có hứng thú với nhiều thứ thậm chí cả những điều từng đem đến niềm vui cho mình. Thiếu nhiệt huyết trong quan hệ bạn bè và người thân. Luôn cảm thấy chán chường, bất an, dễ nổi cáu.
Trẻ luôn cảm thấy tội lỗi và vô dụng. Cơ thể lúc nào cũng mệt mỏi, cơ bắp đau nhức. Trẻ chẳng quan tâm đến những gì sẽ xảy ra trong tương lai và một biểu hiện đặc biệt nguy hiểm đó là thường xuyên nghĩ đến cái chết hoặc muốn tự tử.
Cách điều trị hiệu quả cho trẻ
Điều chỉnh mối quan hệ gia đình. Cha mẹ nên quan tâm, trò chuyện với trẻ nhiều hơn. Lắng nghe con nói, chú ý những thay đổi bất thường của trẻ để phát hiện kịp thời. Đồng thời bố mẹ nên đưa con tham gia các hoạt động bên ngoài. Những hoạt động vui chơi giải trí sẽ giúp giảm bớt căng thẳng rất nhiều, nhất là những hoạt động ngoài trời khi cả nhà cùng tham gia.
Tạo cho trẻ có chế độ ăn uống hợp lý, bổ sung đủ vitamin. Dinh dưỡng đầy đủ sẽ khiến trẻ tập trung học, tinh thần hưng phấn hơn. Bên cạnh đó, bố mẹ không tạo cho trẻ quá nhiều áp lực trong cuộc sống và học tập. Cha mẹ hãy dẫn bé đi chơi, xem phim, đi nhà sách, thảo cầm viên vào ngày cuối tuần. Đồng thời cha mẹ cũng phải đồng cảm, động viên khi bé học tập không tốt.
Không đánh trẻ khi phạm sai lầm, cũng không nên hỏi dồn, bắt buộc trẻ phải trả lời ngay. Đừng bỏ rơi trẻ khi trẻ không chịu chia sẻ. Khi thấy trẻ có vấn đề các bậc cha mẹ sẽ hỏi trẻ. Nhưng nếu trẻ không chịu nói ra thì ba mẹ cũng đừng cho qua, không hỏi han, quan sát gì nữa. Hãy cố gắng hỏi đến khi trẻ chịu chia sẻ thì mới mong lần sau trẻ tiếp tục chia sẻ nỗi lo với ba mẹ.