Bệnh tim bẩm sinh ở trẻ em là những dị tật trẻ mắc phải lúc còn ở trong bụng mẹ, chẳng hạn như di tật về buồng tim, vách tim, van tim… Bệnh tim bẩm sinh có thể ảnh hưởng đến sức khỏe và sự phát triển của bé sau này, hoặc trong một số trường hợp nghiêm trọng hơn, căn bệnh này có thể khiến trẻ sơ sinh tử vong sau khi sinh.
Nguyên nhân gây bệnh
Có khá nhiều nguyên nhân gây ra bệnh tim bẩm sinh ở trẻ em. Tuy nhiên, phổ biến và được biết đến nhiều nhất hiện nay chính là do nguyên nhân di truyền. Bé bị mắc bệnh tim do được di truyền từ người mẹ, hoặc do trong quá trình mang thai, mẹ bị rối loạn các cơ quan nên gây ra các dị tật ở bộ phận tim của trẻ sơ sinh.
Bên cạnh đó, một nguyên nhân khác dẫn đến bệnh tim bẩm sinh ở trẻ là do môi trường sống của mẹ khi mang thai. Điển hình như mẹ làm việc, sinh sống trong môi trường có nhiều hóa chất, chịu ảnh hưởng của các loại chất độc hại, tia phóng xạ, tia gama… Hoặc mắc các bệnh đái tháo đường, nhiễm các loại virus cúm, bệnh Lupus ban đỏ…
Cách phòng ngừa bệnh tim bẩm sinh
Trẻ mắc bệnh tim bẩm sinh sẽ có nguy cơ bị suy tim nhanh chóng, khiến bé chậm phát triển cả về thể chất lẫn tinh thần. Bé thậm chí còn không thể vui chơi, đùa giỡn như các bạn bè cùng trang lứa khác. Hơn nữa, căn bệnh này cũng ảnh hưởng đến khả năng phát triển trí tuệ, khiến bé suy giảm năng lực học tập, khó tiếp thu ngôn ngữ.
Khi thấy bé có những dấu hiệu như thường xuyên bị ho, hơi thở khò khè, có làn da xanh xao, biếng ăn, đầu ngón tay, chân, môi bị tím, chậm lên cân, chậm phát triển hơn so với các trẻ bình thường thì ba mẹ nên nhanh chóng đưa bé khi kiểm tra sức khỏe tại các trung tâm y tế để được bác sĩ chuẩn đoán tình trạng bệnh ngay.
Đối với những trẻ mắc bệnh tim bẩm sinh, ba mẹ nên tuân thủ theo yêu cầu của bác sĩ và cần chăm sóc cho trẻ chu đáo hơn. Đặc biệt là áp dụng chế độ ăn uống cung cấp đầy đủ các chất dinh dưỡng, không để trẻ vui chơi hay vận động quá mức. Đồng thời, giữ gìn vệ sinh cá nhân, vệ sinh răng miệng đúng cách để tránh tình trạng nhiễm trùng.
Hơn nữa, trong giai đoạn mang thai, người mẹ nên đặc biệt chú ý đến sức khỏe và môi trường sống xung quanh để phòng ngừa các dị tật bẩm sinh cho bé. Cụ thể là không làm việc, sinh sống trong môi trường ô nhiễm và tránh tiếp xúc với các loại hóa chất độc hại.
Ngoài ra, cần khám thai đầy đủ và định kỳ theo yêu cầu của bác sĩ và tiêm vaccine, phòng ngừa các loại virus, siêu vi có hại cho sức khỏe của mẹ và bé.