Suy giảm trí nhớ là bệnh thường gặp ở lứa tuổi trung niên. Bạn có thể bị suy giảm trí nhớ do sự lão hóa nhanh của các tế bào thần kinh, do môi trường sống, stress hoặc do thiếu một số chất quan trọng. Bệnh suy giảm trí nhớ nếu không được khắc phục kịp thời có thể dẫn đễn sa sút trí tuệ, gây khó khăn trong công việc và cuộc sống của người bệnh.
Nguyên nhân dẫn đến suy giảm trí nhớ
– Do nhiễm khuẩn: Các bệnh lý hay gặp là viêm não, màng não do vi khuẩn, virut, viêm màng não lao, sốt rét ác tính thể não, giang mai não, hay HIV/AISD.
– Do nhiễm độc: Các chất độc có thể thâm nhập vào cơ thể bằng nhiều đường khác nhau, tác động lên hệ thần kinh trung ương, gây ra tổn thương thần kinh và các rối loạn tâm thần rất đa dạng, cấp tính hoặc kéo dài.
– Do rượu và các chất gây nghiện: Việc nghiện rượu làm ảnh hưởng đến hiệu suất công tác, đến sức khỏe tâm thần và thể chất, làm tổn thương đến các mối quan hệ gia đình và đời sống xã hội. Người nghiện thuốc phiện bị ảnh hưởng nghiêm trọng đến sức khỏe và trí nhớ.
– Do stress: Tình trạng stress không chỉ gây ra những tác động xấu đối với cơ thể mà còn ảnh hưởng nghiêm trọng đối với trí nhớ, đặc biệt là phản ứng stress cấp tính. Một trong những nguyên nhân gây stress ở người trẻ là chính là áp lực học tập.
Biểu hiện của bệnh
Suy giảm trí nhớ do tuổi: Người bệnh sẽ khó nhớ tên người mới gặp, quên một việc vừa dự định làm. Những kinh nghiệm và kiến thức ít bị ảnh hưởng. Bệnh nhân vẫn nhớ được những sự kiện đã xảy ra từ rất lâu.
Suy giảm trí nhớ do bệnh lý: Người bệnh có thể quên cách sử dụng những đồ vật quen thuộc thường dùng, gặp khó khăn khi tiếp nhận các thông tin mới, hay lặp lại một câu hoặc câu chuyện trong cùng buổi trò chuyện. Bệnh nhân sẽ gặp khó khăn trong việc giữ nếp sống sinh hoạt thường ngày.
Cải thiện tình trạng suy giảm trí nhớ
Khi bắt đầu có các dấu hiệu về suy giảm trí nhớ gần, bạn nên thăm khám và hỏi ý kiến bác sĩ chuyên khoa để chuẩn đoán tình trạng bệnh cho chính xác. Suy giảm trí nhớ thuộc dạng bệnh lý sẽ thường xuyên xảy ra và tăng dần. Ở mức độ nặng, bệnh nhân có thể quên hoàn toàn, thậm chí được nhắc vẫn không có ấn tượng gì.
Để đối phó với bệnh suy giảm trí nhớ, phải thường xuyên hoạt động trí não, sống trật tự, có phương pháp, việc nào ra việc ấy, luôn đọc sách, giao tiếp xã hội, luyện trí nhớ… Tập thể dục thường xuyên cũng là một cách tốt để duy trì khả năng tư duy vì nó thúc đẩy tuần hoàn, hô hấp, giúp tăng cường cung cấp ôxy và dinh dưỡng cho não.
Trong cuộc sống hàng ngày, bạn cũng nên sắp xếp công việc, đồ đạc ngăn nắp, có trật tự để dễ nhớ, dễ tìm. Tập thể dục thường xuyên không chỉ duy trì thể lực mà còn giúp trí não hoạt động ở trạng thái tốt. Chú ý, đừng nói và làm quá nhanh cũng như tăng cường quan sát, so sánh và ghi chú lại những việc cần thiết để rèn luyện khả năng ghi nhớ tốt hơn.