Bệnh nấm da là bệnh do nấm kí sinh ở các tế bào da gây ra. Nấm da thường xuất hiện ở các vùng da ẩm ướt, nhiều mồ hôi, gây ra cảm giác khó chịu, ngứa, mưng mủ, lở loét… ảnh hưởng đến sức khỏe của người bệnh. Chính vì thế, bạn nên tìm hiểu kỹ nguyên nhân cũng như tham khảo các cách phòng trị bệnh nấm da nhằm bảo vệ sức khỏe của bản thân và các thành viên trong gia đình.
Nguyên nhân và triệu chứng
Nguyên nhân gây bệnh nấm da là do nấm kí sinh ở các tế bào chết trên da. Các tế bào chết trên da sẽ có khoảng thời gian một tháng để chết đi và bong ra. Tuy nhiên, nếu sau khi các lớp tế bào chết bong ra mà nấm kí sinh và các loại vi khuẩn vẫn trú ngụ lại thì sẽ ảnh hưởng đến các lớp tế bào mới, gây ra tình trạng viêm nhiễm da.
Bệnh nấm da thường xuất hiện ở các vùng da ẩm ướt và ra nhiều mồ hôi, điển hình như vùng kẽ ngón chân, ngón tay, vùng bẹn, bùi, cổ, nách, xung quanh thắt lưng… Một số bộ phận khác cũng có khả năng gây nhiễm nấm da, chẳng hạn như vùng đùi, mông, đầu hay cơ quan sinh dục…
Nấm da có thể lây nhiễm qua việc tiếp xúc với người bệnh, tiếp xúc với các loại động vật mắc bệnh hoặc tiếp xúc với những đồ dùng của người bệnh. Trong một số trường hợp, người bệnh bị lây nhiệm khi tiếp xúc với đất bản trong một thời gian dài.
Bệnh nấm da có thể xuất hiện ở bất cứ đối tượng nào. Tuy nhiên, những người có hệ miễn dịch yếu hoặc trẻ em chưa biết cách giữ gìn vệ sinh thân thể là đối tượng phổ biến nhất.
Triệu chứng đầu tiên thường gặp ở những đối tượng bị nấm da chính là ngứa, gây cảm giác khó chịu. Do đó, người bệnh thường gãi làm lây lan vi khuẩn và nấm kí sinh sang các vùng da khác. Nghiêm trọng hơn là bệnh có thể làm nhiễm trùng da, lở loét, mưng mủ hoặc viêm da, chàm hóa da…
Những loại bệnh nấm da thường gặp nhất là nấm thân, nấm kẽ, nấm móng, nấm da đầu và lang ben. Ở một số trường hợp nhẹ, mặc dù không gây nguy hiểm đến tính mạng và ảnh hưởng nghiêm trọng đến sức khỏe của người bệnh, nhưng nấm da gây cảm giác khó chịu, mất thẩm mỹ, rất khó trị dứt điểm và dễ tái phát. Vì thế, bạn nên điều trị tận gốc và chủ động phòng tránh căn bệnh này.
Cách chữa trị bệnh nấm da
Khi phát hiện triệu chứng ngứa ở các vùng da ẩm ướt, bạn nên đi khám ở các cơ sở y tế gần nhất, để được các bác sĩ chuyên khoa chuẩn đoán và điều trị đúng cách. Tuyệt đối không nên tự ý mua các loại thuốc không rõ nguồn gốc và chức năng để trị bệnh. Cách này không chắc chắn sẽ giúp bạn trị khỏi căn bệnh nấm da mà còn có thể gây ra các tác dụng phụ khác, hoặc có thể khiến cho bệnh tình càng trầm trọng hơn.
Ở một số trường hợp nhẹ, các bác sĩ da liễu có thể cho bệnh nhân sử dụng thêm các loại thuốc bôi trên da có các thành phần như Miconazole, Clotrimazole, Terbinafine… để hỗ trợ việc điều trị.
Mùa mưa hay những ngày thời tiết ẩm ướt sẽ tạo điều kiện cho vi khuẩn, nấm kí sinh phát triển, gây ra các bệnh nấm da. Do đó, bạn nên chú ý giữ gìn vệ sinh cơ thể, tắm rửa, thay đồ hàng ngày, mặc quần áo khô ráo, thông thoáng và thoải mái.
Bên cạnh đó, các mẹ cũng nên chịu khó thường xuyên giặt giũ chăn màn, các thành viên trong gia đình không nên dùng chung các đồ vật cá nhân như khăn tắm, quần áo lót… Ngoài ra, không nên mặc những loại quần áo ướt, để làn da ẩm ướt trong thời gian dài, nhằm tránh tạo điều kiện hoặc môi trường thuận lợi cho các loại vi khuẩn và nấm kí sinh phát triển.