Bệnh động kinh là một trong bệnh về não và đối tượng thường gặp nhất ở bệnh này chính là trẻ em. Bệnh gây ra những cơn co giật, tái phát thường xuyên, ảnh hưởng đến việc học, sinh hoạt hàng ngày và sự phát triển của trẻ nhỏ. Chính vì thế, ba mẹ nên lưu ý cách phòng ngừa căn bệnh này để bảo vệ sức khỏe và cuộc sống của bé.
Nguyên nhân gây bệnh động kinh ở trẻ
Bệnh động kinh thường được chia thành 3 thể: thể động kinh cục bộ, thể động kinh toàn thân và thể động kinh kịch phát Rolando. Trong đó, động kinh toàn thân là thể động kinh thường gặp nhất.
Bệnh động kinh do các tổn thương ở não gây ra và có nhiều nguyên nhân dẫn đến căn bệnh này. Điển hình nhất là do người mẹ bị chấn thương hoặc ngộ độc trong giai đoạn mang thai. Hoặc do mẹ đẻ khó, các bác sĩ phải dùng biện pháp giác hút để kéo bé ra. Điều này có thể khiến trẻ bị ngại, thiếu oxy lên não, gây tổn thương cho các tế bào não, dẫn đến căn bệnh động kinh về sau.
Một số trường hợp khác là do trẻ bị di truyền, hoặc có bướu trong não. Khi bé phát triển, bướu cũng lớn lên, chèn ép các tế bào não gây nên tình trạng động kinh.
Ngoài ra, một số trẻ bị động kinh do ba mẹ không quan tâm, chăm sóc bé đúng cách, chẳng hạn như để bé bị ngã đập đầu xuống đất hay các vật cứng, gây nên các chấn thương ở đầu, hoặc do bé bị viêm màng não nhưng ba mẹ không phát hiện và chữa trị kịp thời nên để lại di chứng sau này.
Triệu chứng của bệnh động kinh
Trẻ bị động kinh, có thể mất ý thức trong một thời gian ngắn. Nếu quan sát kỹ, các mẹ sẽ nhận thấy bé có những biểu hiện như mắt bất động, bé hay mơ màng, nhìn xa xăm, hoặc ngưng các hoạt động đang làm.
Nghiêm trọng hơn là bé bị sốt cao, co giật các cơ, căng cứng cơ, gập người, gục đầu, co giật các ngón tay, ngón chân, tăng huyết áp, hơi thở đứt quãng, thậm chí có thể cắn phải lưỡi, tử vong…
Cách phòng chống và chữa trị bệnh động kinh ở trẻ
Bệnh động kinh là căn bệnh cực kỳ nguy hiểm. Ở một số trường hợp nặng có thể dẫn đến tử vong do ngạt thở, suy tim… Chính vì thế, khi thấy bé có những triệu chứng trên, ba mẹ nên cho bé nằm nghiêng, nới rộng quần áo và dùng một chiếc khăn mềm để chèn miệng của bé, tránh cho bé cắn lưỡi. Sau đó, ba mẹ nên đưa bé đến các cơ sở y tế gần nhất để được các bác sĩ kiểm tra và chữa trị kịp thời.
Bên cạnh đó, đối với những trẻ bị động kinh, ba mẹ và các thành viên trong gia đình không nên xa lánh và đối xử lạnh nhạt với bé. Ngược lại, bạn cần phải động viên, khích lệ tinh thần của bé. Như vậy, tâm trạng bé sẽ luôn vui vẻ, thoải mái và hạn chế các cơn động kinh.
Ngoài ra, ba mẹ, nhà trường và các thầy cô giáo cần phải trông nom và chăm sóc trẻ kỹ lưỡng. Chẳng hạn như luôn trông chừng trẻ, không cho trẻ tự ý đến các nơi nguy hiểm như ao hồ, sông suối, hoặc ra ngoài nắng quá lâu hay lái xe một mình trên đường. Nhiệt độ cao và nắng nóng oi bức rất có thể sẽ gây ra các cơn động kinh ở trẻ.
Hơn nữa, điều quan trọng nhất vẫn là các mẹ nên chịu khó bổ sung các thức ăn có nhiều chất dinh dưỡng, vitamin, các khoáng chất trong những bữa cơm hàng ngày của trẻ. Đối với những trẻ đang điều trị căn bệnh động kinh, mẹ nên cho bé uống thuốc đều đặn và theo chỉ dẫn của bác sĩ.