Chàm là một loại bệnh về da phổ biến thường gặp ở người lớn lẫn trẻ nhỏ, bệnh hay tái phát, dai dẳng. Bệnh chàm tuy không nguy hiểm đến tính mạng nhưng lại khiến người bệnh khó chịu, giảm chất lượng cuộc sống và ảnh hưởng đến thẩm mỹ trên da.
1. Nguyên nhân gây bệnh
– Về cơ địa: Có thể là do di truyền từ gia đình; do rối lọa chức năng nội tạng, nội tiết, thần kinh; do các tác nhân kích thích bên trong, kèm theo có thể bị viêm xoang, xơ gan, viêm đại tràng hoặc do viêm tai xương chũm, các bệnh về thận.
– Do dị ứng nguyên: Do tiếp xúc với các thuốc gây phản ứng như: lưu huỳnh, thủy ngân, thuốc tê…; do gặp phải hóa chất khi làm việc như: xi măng, thuốc nhuộm, nguyên liệu làm cao su, than đá, phân hóa học…; do các sản phẩm vi sinh có cơ chế dị ứng như: nấm, siêu vi; do dị ứng với các loại thức ăn như: tôm, cua, nhộng chẳng hạn.
2. Biểu hiện của bệnh chàm
Bệnh chàm thường diễn biến qua 3 giai đoạn chính:
– Giai đoạn cấp tính: Triệu chứng chính là các mụn nước chi chít tập trung trên một nền da đỏ, phù nề do bị viêm, đặc biệt là ngứa nhiều vùng làm tổn thương. Sau đó, các mụn nước này vỡ ra và chảy nước có màu vàng.
– Giai đoạn bán cấp: Khi đến giai đoạn bán cấp, hiện tượng chảy nước vàng ở người bệnh sẽ giảm dần, da sẽ bắt đầu hết phù và bớt đỏ đi nhiều.
– Giai đoạn mạn tính: Các giai đoạn cấp và bán cấp có thể sẽ kéo dài trong khoảng vài tháng. Nếu không chữa trị kịp thời và đúng cách sẽ dẫn đến mạn tính. Giai đoạn này, cường độ ngứa trở nên dữ dội, có thể làm rối loạn giấc ngủ của bệnh nhân. Nếu tiếp tục gãi ngứa sẽ làm vỡ các dưỡng bào sẽ phóng thích ra các histamin gây ngứa thêm.
3. Các thể lâm sàng ở bệnh chàm
Chàm thể tạng ở trẻ em: Thường gặp ở trẻ đang bú mẹ. Tổn thương mà bệnh gây ra thường xuất hiện ở hai má, cằm, trán, mũi. Mụn nước sắp xếp thành từng đám, ranh giới không rõ ràng.
Chàm thể ở người lớn: Bệnh có thể xuất hiện từ lúc nhỏ và dai dẳng đến tuổi trưởng thành. Vị trí hay gặp là mặt, lan ra cổ, thân mình, chân tay, các nếp gấp như vùng khóe chân, đặc biệt bệnh nhân thường xuất hiện mụn nước và ngứa.
Chàm nhiễm khuẩn: Loại này có thể xuất hiện xung quanh các vết thương, vết bỏng, vết loét do giãn tĩnh mạch bị nhiễm khuẩn. Các vết chàm này hình dạng có bờ rõ, trên bề mặt của chúng có vảy, dưới lớp da còn ửng đỏ và kèm theo mụn nước tiết dịch.
Chàm da mỡ: Thường gặp ở người có da tăng tiết mỡ, chúng xuất hiện ở vùng trước ngực, sau lưng, nhất là vùng ranh giới giữa hai xương bả vai, da đầu.
Chàm tiếp xúc: Do tiếp xúc với dị nguyên, hay gặp nhất trong một số nghề nghiệp như dệt len, thuộc da, công nghệ nhựa… Bệnh ở những người làm nghề trên gọi là bệnh nghề nghiệp. Loại chàm này còn gặp ở một số người bị dị ứng với chất cao su.