Tật khúc xạ là từ chung nhất để chỉ các bệnh về cận, loạn và viễn thị của mắt, trong đó cận thị chiếm tỉ lệ khá cao trong cộng đồng. Nguyên nhân khiến nhiều người mắc phải bệnh này là do môi trường sống, nơi học tập làm việc thiếu ánh sáng, hoặc do chế độ ăn uống dinh dưỡng hàng ngày.
Tật khúc xạ đang ngày càng phổ biến và gây ra nhiều gánh nặng cho gia đình, xã hội và người bệnh. Để hiểu rõ hơn về bệnh cận, loạn và viễn thị là như thế nào? Hãy cùng chúng tôi theo dõi bài viết dưới đây.
1. Cận thị
Cận thị là gì?
Cận thị là một tật khúc xạ ở mắt. Người bị cận thị có thể nhìn bình thường đối với những mục tiêu ở cự ly gần, nhưng không nhìn rõ đối với những mục tiêu ở cự ly xa nếu mắt không điều tiết.
Nguyên nhân
Nguyên nhân của cận thị là do giác mạc vồng quá hoặc do trục trước và sau của cầu mắt dài khiến cho hình ảnh không hội tụ đúng võng mạc như mắt bình thường mà lại hội tụ ở phía trước võng mạc.
Các loại cận thị
Cận thị có hai loại:
– Cận thị trục là sự mất quân bình giữa chiều dài của mắt và lực khúc xạ của nó. Nhưng 2 chỉ số này vẫn nằm trong giới hạn bình thường. Đây là loại cận thị thường gặp, bắt đầu ở lứa tuổi học sinh, nhỏ hơn 6 độ, không có những tổn thương thực thể ở mắt.
– Cận thị bệnh lý là do chiều dài của mắt, vượt quá giới hạn bình thường. Cận trên 6 độ, có thể 20 – 30 độ. Có những tổn thương, hư biến ở mắt, có tính di truyền.
2. Loạn thị
Loạn thị là gì?
Loạn thị là một tật về mắt liên quan đến khúc xạ. Ở mắt bình thường, các tia hình ảnh sau khi đi qua giác mạc thì được hội tụ ở một điểm trên võng mạc. Nhưng ở mắt loạn thị, các tia hình ảnh lại được hội tụ ở nhiều điểm trên võng mạc khiến cho người loạn thị thấy hình ảnh nhòe, không rõ.
Nguyên nhân
Nguyên nhân của loạn thị là giác mạc có hình dạng bất thường khiến khả năng tập trung ánh sáng của giác mạc bị giảm đi. Loạn thị có thể đi kèm với cận thị thành tật cận loạn, hoặc đi kèm với viễn thị thành tật viễn loạn.
3. Viễn thị
Viễn thị là gì?
Viễn thị là một tật liên quan đến khúc xạ ở mắt. Người bị viễn thị có thể nhìn bình thường đối với những mục tiêu ở cự ly xa, song không nhìn rõ những mục tiêu ở cự ly gần.
Nguyên nhân
Nguyên nhân phổ biến của viễn thị là trục nhãn cầu ngắn. Ở trẻ em mới sinh thường có một độ viễn thị nhẹ từ 2 – 3 độ. Trong quá trình phát triển, cùng với sự trưởng thành của cơ thể, nhãn cầu cũng dài thêm ra, mắt sẽ trở thành chính thị. Nếu sự phát triển này không trọn vẹn sẽ gây nên viễn thị.
4. Triệu chứng chung của tật khúc xạ
Triệu chứng chung của tật khúc xạ là nhìn xa không rõ, hay mỏi mắt, nhức đầu. Đối với trẻ em, khi nhìn trên bảng không rõ, hay nheo mắt, cầm sách đọc quá gần, hay đỏ mắt, nhức mỏi mắt, nhìn mờ, rất có thể là bị tật khúc xạ, cần cho trẻ đi khám.
5. Bảo vệ mắt khỏi những tật khúc xạ
Đeo kính gọng là phương pháp đơn giản, ít tốn kém và an toàn nhất. Nó được chỉ định cho mọi lứa tuổi. Tuy nhiên đối với trẻ em nhỏ hơn 5 tuổi, việc xác định chính xác tật khúc xạ của trẻ phải nhờ vào các phương pháp khám khúc xạ khách quan. Bạn nên đưa trẻ đến các bệnh viện có khoa mắt để được khám.
Phòng học hoặc nơi làm việc nên được chiếu sáng đầy đủ bằng ánh sáng tự nhiên, khoảng cách đọc và viết với học sinh khoảng từ 25 đến 40 cm tùy từng độ tuổi, giữ đúng tư thế ngồi học, bàn học đúng quy cách, nếu đọc sách nên ngồi đọc, nếu làm việc trên máy vi tính nên để màn hình cách mắt ít nhất 50 cm.
Không nên làm việc bằng Mắt quá 45 phút, học sinh cần được ra sân chơi và tập thể dục giữa giờ, tránh đọc truyện, chơi game trong giờ giải lao. Cứ làm việc khoảng 20 phút, nên để mắt nhìn xa từ 1 đến 2 phút để mắt tự điều tiết.
Có chế độ dinh dưỡng hợp lý, nên để cho trẻ ngủ từ 8 đến 10giờ mỗi ngày, cường độ học tập hợp lý vệ sinh mắt hàng ngày. Ngoài ra, bạn nên khám mắt định kỳ tại các cơ sở chuyên khoa mắt để được phát hiện sớm tật khúc xạ , được tư vấn và chỉnh kính hợp lý, phát hiện sớm các tật khúc xạ và điều trị các bệnh mắt khác.