Ốm nghén khi mang thai là một trong những triệu chứng điển hình xuất hiện thời kỳ đầu của thai kỳ. Mẹ bầu khi ốm nghén thường có cảm giác rất mệt mỏi và khó chịu như ợ chua, toàn thân đau nhức và đặc biệt là buồn nôn.
Ở một số người, tình trạng này còn nặng nề hơn, không ăn được, hoa mắt, chóng mặt ảnh hưởng đến sức khỏe. Vậy làm cách nào để giúp mẹ bầu hạn chế những triệu chứng này? 10 cách trị ốm nghén hiệu quả dưới đây sẽ giúp mẹ bầu “đánh bại” những cơn ốm nghén nhanh chóng.
1. Gừng tươi + nước mía
Gừng là thực phẩm có vị cay, tính ấm, có công dụng chữa chứng nôn mửa. Gừng giúp làm giảm co thắt cơ dạ dày và tăng hoạt động nhu động ruột từ đó giảm hẳn tình trạng buồn nôn.
Thực tế khi mẹ bị ốm nghén, có cảm giác buồn nôn, sử dụng gừng ở dạng ăn tươi, pha với nước ấm hay ngậm kẹo có tinh chất gừng đều có tác dụng rất tốt trong việc giảm hẳn cảm giác buồn nôn và giúp mẹ bầu ăn uống ngon hơn, tiêu hóa tốt hơn.
Tuy nhiên, cách tốt nhất, hiệu quả nhất, bổ dưỡng nhất bạn có thể áp dụng là lấy nước mía tươi trộn cùng nước ép gừng tươi và uống trung bình ngày từ 3 – 4 ly. Với cách này, không những giúp bạn hết cảm giác buồn nôn mà còn khiến bạn ăn ngon miệng hơn rất nhiều nhé.
2. Hoài sơn + thịt lợn nạc + gừng tươi
Hoài sơn kết hợp với thịt lợn nạc và gừng tươi có công dụng trị ốm nghén cực hiệu quả. Bạn có thể chuẩn bị nửa lạng thịt nạc cùng 1 lạng hoài sơn và 5 gram gừng. Thái nhỏ thịt và hoài sơn, đập dập gừng, cho vào chung với nhau nấu thật chín, nêm nếm gia vị vừa ăn. Dùng khi còn nóng.
Những mẹ bầu hay nôn mửa, mệt mỏi, tiêu chảy, chán ăn thì nên dùng bài thuốc này nhé.
3. Lá tía tô + sắn dây
Lá tía tô có vị cay, tính ấm, có công dụng an thai, loại trừ đàm trong cơ thể, đồng thời cũng hạn chế tình trạng buồn nôn. Mẹ bầu có thể dùng dưới dạng hãm uống thay trà hoặc chế biến thành các món ăn trong bữa ăn hàng ngày.
Lá tía tô đem kết hợp với sắn dây, vỏ quất hoặc sa nhân, đem sắc thành nước uống hàng ngày, bảo đảm cho hiệu quả rõ rệt. Thử áp dụng liền các mẹ nhé.
4. Củ cải + mật ong
Củ cải có vị ngọt, tính mát, có công dụng thanh nhiệt, hóa đàm, giải trừ buồn nôn. Bạn có thể ép lấy nước củ cải uống hoặc chế biến thành các món ăn trong bữa ăn hàng ngày.
Để có tác dụng hiệu quả nhất, bạn nên giã nát hoặc ép lấy nước củ cải sắc với mật ong uống hàng ngày từng ít một.
5. Trứng gà + giấm
Đun sôi 60ml giấm và khuấy tan với 30g đường, sau cùng cho trứng gà vào, đợi chín tới và ăn khi còn nóng. Mỗi ngày nên ăn 2 lần. Với cách này thì mẹ bầu có thể giảm được các triệu chứng nôn dữ dội như nôn ra nước vàng, đắng, chua, bị bựa lưỡi vàng…
6. Chuối
Nếu mẹ bầu gặp các triệu chứng ốm nghén và buồn nôn quá nặng, đi kèm với mất nước thì ăn chuối tươi cũng có thể hạn chế được tình trạng này. Khi ói mửa hay tiêu chảy nhiều, cơ thể thường bị mất kali nhanh chóng khiến cảm giác mệt mỏi buồn nôn thêm trầm trọng. Trong chuối có chứa nhiều kali, vì vậy việc ăn chuối có thể bù lại lượng kali bị mất đi rất nhanh chóng mà lại đơn giản.
7. Trái me chua
Mẹ bầu lấy khoảng 30gr me cạo vỏ và đun sôi với 300ml nước cho đến khi cạn thành 200ml, lọc lấy nước và khuấy cùng 10gr đường, uống ba lần trong ngày. Nên uống vài ngày để có kết quả. Thức uống này chống nôn ói hiệu quả đấy.
8. Chanh tươi
Dùng chanh tươi là cách đơn giản để mẹ bầu có thể chống nôn. Hãy uống một cốc nhỏ nước chanh pha mật ong hay đơn giản là ngửi mùi chanh cũng có thể khiến cảm giác buồn nôn bị đẩy lùi. Hoặc mẹ bầu có thể chế biến chanh tươi bằng cách dưới đây để gia tăng hiệu quả của loại quả này.
Chanh tươi đem gọt vỏ, bỏ hạt, thái miếng nửa ký chanh và trộn chúng với đường hay mật ong, ướp trong 1 ngày. Sau đó đun nhỏ lửa chanh đã ướp cho đến khi cạn nước, cho thêm ít đường vào khi để nguội và ăn dần khi cảm thấy buồn nôn.
9. Bí đao
Bí đao với vị ngọt, tính mát, bí đao có tác dụng thanh nhiệt, bài trừ đàm và hạn chế tình trạng buồn nôn rất tốt.
Bạn có thể ép lấy nước uống, phơi khô hãm thành trà uống thay nước mỗi ngày. Bạn cũng có thể chế biến bí đao thành các món ăn hấp dẫn trong bữa ăn hàng ngày cũng rất thơm ngon, bổ dưỡng.
10. Bưởi
Rửa sạch 15g vỏ bưởi và đun sôi với 300ml nước cho đến khi còn 15ml nước. Chia nước này làm ba phần uống trong ngày, trước các bữa ăn chừng 20 phút và uống trong 5 ngày liên tục.